CHÙA LONG SƠN DANH LAM PHẬT GIÁO KHÁNH HOÀ

Thứ sáu - 21/04/2017 17:51
GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT
Khánh Hoà là xứ trầm hương,
Non cao, biển rộng người thương đi về,
Yến sào thơm ngọt tình quê,
Sông sâu đá tạc lời thề nước non.
(Ca Dao Khánh Hoà)
CHÙA LONG SƠN  DANH LAM PHẬT GIÁO KHÁNH HOÀ

    Lời Ca Dao thân thương chan chứa tình quê hương ấy không biết đã được bắt đầu ngâm vang trong dân gian Khánh Hoà từ lúc nào, nhưng có thể nói nó đã thấm vào tận sâu thẩm trái tim những người con dân được sanh ra ở vùng đất này. Không những thế, những nét đặc trưng chan chứa hương thơm ngọt ngào tình người ấy còn mang lại không biết bao nhiêu xao xuyến trong lòng của mọi du khách khi đến viếng thăm vùng đất hiền hoà này. Hình như thiên nhiên đất trời được tích tụ nơi đây để rồi ban tặng cho chốn này rất nhiều thứ như thế. Cái phong phú về những thứ đặc sản của biển sâu, của suối thẳm, của rừng cao, và của lòng người không chỉ có giá trị quí hiếm mà còn thật ngọt ngào biết bao. Trong những báu vật ấy không thể không nói đến những cảnh đẹp nên thơ của vùng đất yên hoà và cuộc sống bình dị đáng yêu này. Một trong những nhân tố tạo nên những giá trị này đó là sắc thái tâm linh Phật giáo, từ lâu đời đã ảnh hưởng rất đậm nét tô điểm cho cả cái đẹp phong cảnh lẫn cái đẹp nếp sống đối với con người Khánh Hoà. Ở đây xin được giới thiệu về một danh lam thắng cảnh Phật Giáo được xếp vào hạng bậc nhất ở Khánh Hoà không chỉ với nét đẹp danh lam mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với tín ngưỡng Phật giáo cho cả Khánh Hoà và còn hơn thế nữa.
 

Người dân Nha Trang có câu Ca Dao:
Ai về viếng cảnh Khánh Hoà,
Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên,
Kim thân Phật tổ nhớ lên,
Nhìn ông Phật trắng ngồi trên lưng trời.

 

    Nói đến cảnh đẹp Nha Trang không thể không nói đến Chùa Long Sơn. Và những ai đã từng đến Nha Trang rồi thì không thể không biết đến danh thắng này. Có thể nói, Chùa Long Sơn với Kim Thân Phật Tổ chính là biểu tượng cho cái đẹp của Thành Phố nên thơ này.


    Chùa Long Sơn tọa lạc ở số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, nằm dưới chân núi Trại Thủy, thành phố Nha Trang. Chùa hướng mặt về phía Nam. Phía trước là huyết mạch giao thông chính gồm cả tuyến đường sắt lẫn đường bộ được xem như là cửa ngõ đi vào trung tâm Thành Phố. Du khách đi từ Nam ra Bắc hay từ Bắc vào Nam dù có dừng chân ghé thăm Nha Trang hay không thì ngồi trên xe cũng có thể nhìn thấy Chùa Long Sơn với Kim Thân Phật Tổ ngự trên lưng đồi Trại Thuỷ này. Không những thế, cả đường thuỷ hay đường hàng không cũng vậy, dù ở bất kì vùng biển hay vùng trời nào nằm trong địa phận Nha Trang cũng đều thấy rõ Kim Thân Phật Tổ trắng ngời ngự toạ uy nghiêm trên lưng trời.

    Có thể nói, cảnh trí của chùa thật cao sáng,và đẹp đẽ vô cùng. Tuy nằm trong chốn đô hội phồn ba của phố xá nhưng vẫn toát lên nét ly trần thoát tục và vẫn giữ được vẻ thanh u tĩnh mịch của cảnh thiền môn. Chùa mang nét kiến trúc trang nghiêm cổ kính theo kiểu thức Á Đông. Tuy không nguy nga kiểu cách như các chùa khác ở xứ Huế hay miền Trung nói chung, nhưng Chùa Long Sơn vẫn thể hiện được những nét đặc trưng vốn có của nó. Dù ta có đi khắp cả bốn bể năm châu, nơi đâu ta bắt gặp bức tranh phong cảnh hữu tình của Chùa Long Sơn hay Tượng đài Kim Thân Phật Tổ ta cũng dễ dàng nhận ra được ngay biểu tượng của Thành Phố trẻ xinh đẹp này.

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ CHÙA
    Lúc đầu, chùa Long Sơn có tên là Đăng Long Tự, được dựng trên núi vào năm 1886 do Hòa thượng Thích Ngộ Chí (1856 - 1935) trụ trì. Hoà thượng pháp danh là Phổ Trí (thuộc dòng Thiền Lâm tế đời thứ 39), tên tục là Nguyễn Tâm Văn Nghi, người làng Vinh Điềm, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Ngài sanh ra trong giai đoạn đất nước gặp nhiều nhiễu nhương, những phong trào kháng Pháp bùng lên rầm rộ. Ngài đã tham gia phong trào chống Pháp một thời gian, và sau Ngài phát tâm xuất thế đi tu. Ban đầu, chùa là một căn nhà mái tranh vách lá nằm trên đỉnh đồi Trại Thủy(ngay tại vị trí Phật Trắng bây giờ) với tên gọi là Đăng Long tự. Năm Canh Tý 1900, chùa bị sập hoàn toàn sau trận bão mạnh, nên tổ khai sơn chùa quyết định dời chùa xuống chân đồi Trại Thủy như ngày nay. Khi dời xuống chân đồi, Hoà Thượng Ngộ Chí cho xây ngôi chùa nhỏ một giàn hai chái rồi đổi tên chùa từ Đăng Long tự thành Long Sơn tự. Hoà Thượng vốn theo học nghề mộc, biết chạm trổ, nên đã tự tay làm bảng hiệu “Long Sơn Tự - Duy Tân Giáp Dần”, tạc 3 tượng (Phật Thích Ca, Di Lặc và Đại Trí Văn Thù), mõ hình cá chép… Hiện nay, mộc bản và mõ hình cá chép của Hoà Thượng còn được lưu giữ tại chùa. Năm 1936, tuân theo di nguyện của Hoà Thượng Ngộ Chí, gia tộc họ Nguyễn đã hiến cúng toàn bộ tài sản của chùa Long Sơn cho Hội An Nam Phật học để làm trụ sở chấn hưng Phật giáo Khánh Hòa. Chùa trở thành trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa từ đó đến nay. Năm Bảo Đại thứ 14 (1938), chùa được vua ban “Sắc tứ Long Sơn tự”. Chứng tỏ, lúc bấy giờ Long Sơn đã trở thành một ngôi chùa danh tiếng, có phạm vi ảnh hưởng rộng trong đời sống tinh thần nhân dân và Phật tử Khánh Hòa.

    Năm 1940, chùa được trùng tu do công lao chính của Hội trưởng Tôn Thất Quyền và Phật tử Võ Đình Thụy. Năm 1968, do chiến tranh tàn phá, chùa bị sạt mái ngói. Năm 1971, Chùa được trùng tu lại theo họa đồ của kiến trúc sư Võ Đình Diệp, mãi đến năm 1975 thì công tác trùng tu mới hoàn mãn. Đặc biệt, công tác trùng tu này được hoàn mãn là nhờ vào sự đóng góp từng viên gạch, từng nắm gạo nhỏ của toàn thể Phật tử địa phương. Việc làm tuy nhỏ nhưng giá trị khó có thể nói hết được. Khuôn viên nội tự có chiều rộng 44.5m, chiều dài hơn 72m, được kiến trúc theo hình chữ Công (chữ Hán)- lối kiến trúc thường gặp trong các ngôi chùa cổ. Chánh điện rộng 1.670m¬ vuông, có thể chứa hàng trăm người.¬¬ Điện Phật được bài trí đơn giản nhưng rất tôn nghiêm. Nơi án giữa chỉ thờ độc tôn đức Bổn sư. Phía trước có thờ tượng Bồ Tát Chuẫn Đề được chạm khắc rất tinh xảo. Khu tôn trí án thờ là một khoảng bệ rộng cao cách biệt và là nơi dành cho Chư Tăng hành lễ, khu phía dưới trước là dành cho Phật tử. Gian thờ chư vị Tổ sư nằm phía sau điện thờ Phật. Hai bên mé lối lên trên bệ án cao có đấp phù điêu tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Đông lang và Tây lang là những dãy Tăng xá, nơi sinh hoạt của Tăng chúng, văn phòng họp mặt của chư Tăng trong những ngày lễ. Nói chung kiến trúc bên trông không cầu kì như những ngôi chùa cổ, mà có phần hơi giống một ngôi giảng đường.Với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tuy mang đậm dấu ấn hiện đại, nhưng vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch, uy nghiêm, huyền bí, cao siêu nơi cửa Phật nhờ sự phối hợp tuyệt vời giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên. 
Từ khi được thành lập đến nay, chùa do các trải qua các đời trụ trì : Hòa thượng Thích Ngộ Chí (từ 1886 đến 1935), Thích Chánh Hóa (từ 1936 đến 1957), Hoà Thượng Thích Chí Tín (từ 1957 đến nay). 

    Từ chùa Long Sơn có đường dẫn lên lưng đồi pho tượng Kim thân Phật Tổ nơi đỉnh. Tượng được xây dựng bằng bê-tông ngay trên nền cũ của chùa Long Sơn. Việc đúc tượng được khởi công năm 1964, hoàn thành năm 1965, do Thượng tọa Thích Đức Minh, lúc đó là Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa và điêu khắc gia Phúc Điền thực hiện. Đây là công trình đánh dấu thắng lợi cuộc đấu tranh vì đạo pháp dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Tượng có chiều cao từ mặt bằng lên 24m, từ đế lên 21m, phần tượng cao 14m, đài sen 7m, đường kính đài sen 10m. Trước Phật-đài có cặp rồng, chiều dài 7,20m. Trên đỉnh đồi Trại Thủy, Kim thân Phật Tổ với dáng ngồi uy nghiêm thư thái giữa trời xanh mây trắng lững lờ, với nét mặt từ hoà và nụ cười thanh thoát điểm nhẹ trên môi. Chung quanh đế Phật-đài là những bức phù điêu đấp nổi chân dung hình 7 vị Thánh tử đạo hi sinh bảo vệ Phật giáo dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong lòng tượng còn có một chổ thờ Phật để cho người có tâm vào đốt nhang khấn nguyện. Đến với đỉnh đồi Trại Thủy nơi có bức tượng Phật Tổ đang ngồi, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh Nha Trang với những cảnh sắc thiên nhiên lộng lẫy. Người có duyên lành được đến chiêm bái mới thấy đủ những điều quí báu không thể tả hết. Đứng phía sau Kim Thân, hoặc đứng chiêm bái từ nhiều phía ở triền núi, ai cũng thấy Kim Thân đã tỏa ra đủ đức lành: Bi - Trí -Dũng. Từng nếp y đắp trên Kim Thân sống động như chính Đức Như Lai đang thị hiện. Khách vòng về chính diện, cung kính ngước nhìn Kim Thân Phật, với làn môi hé mở cố hữu như đang tỏa vô lượng đức từ bi, hỉ xả xuống cho chúng sanh. Khi chiều về, ánh thái dương rọi chiếu, tưởng như muôn vàn hào quang rực rỡ đang toả phóng cả một vùng trời rộng huyền diệu. 

    Trước đại lễ khánh thành tượng, Ngài Narada từ Tích Lan rước ngọc Xá Lợi, đất Thiêng, cây Bồ Đề sang Việt Nam để tôn trí nơi đây. Cội Bồ Đề hơn 40 năm trước vừa bằng cườm tay, nay cũng đã thành một đại thụ, cành lá sum xuê phủ bóng từ bi che mát cả chốn thiền môn và là nơi thiêng liêng để cho khách hành hương chiêm bái.
 

Hòa thượng Narada (1898 - 1983)


    Hoà Thượng Narada là một cao tăng, đúng hơn là bậc thánh tăng của Phật Giáo Tích Lan và thế giới. Ngài là bổn sư của nữ Thủ Tướng Tích Lan. Không biết từ một cơ duyên nào Ngài rất thương yêu Việt Nam, từ thập niên 40 Hoà Thượng đã thường đến để hoằng dương Phật Pháp và xem Việt Nam như quê hương của Ngài. Thời gian đó, mỗi khi Hoà Thượng từ Tích Lan qua, Ngài thường trụ và thuyết pháp tại Kỳ Viên Tự, đường Phan Đình Phùng, Sàigòn là trụ sở Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada. 

    Nói đến những pho tượng Phật là nói đến cả một pho ý nghĩa triết học. Tượng, tranh vẽ các Đấng Chí Tôn thường cùng đường nét, diện mạo, phần nhiều đều nhìn thẳng hoặc ngước lên. Trái lại tượng Phật, mỗi dân tộc tạo tác đều mang những nét riêng của dân tộc mình. Cùng tượng Đức Thích Ca, nhưng tượng ở Ấn không giống ở Miến, ở Thái, càng không giống ở Nhật Bản, Trung Hoa hay Việt Nam. Đặc điểm này nói lên tùy căn cơ, tâm thức mỗi dân tộc khi Ánh Đạo Vàng phổ biến. Phần nhiều trên pho tượng Phật, đôi mắt Ngài thường khẽ khép trong thế tọa thiền, biểu lộ hùng tâm, tự tại, nhưng bên trong sâu thẳm của mỗi pho tượng của mỗi dân tộc hay mỗi vùng vẫn ẩn tìm những sắc thái đặc thù. Hiểu như vậy mới thấy pho Kim Thân Phật tại Thích Ca Phật-đài thể hiện trọn vẹn đường nét đặc thù dân tộc Việt Nam nói chung và của Nha Trang nói riêng như thế nào.
 



    Từ lâu hình ảnh chùa Long Sơn với tượng Kim Thân Phật Tổ (tượng Phật Trắng) trên đỉnh đồi Trại Thủy đã in vào trí nhớ của người dân và du khách đến thăm xứ Trầm Hương. Khách không khỏi bâng khuâng cảm thấy mình bỗng bé nhỏ giữa cảnh quan của chốn Già Lam nổi tiếng nhất tỉnh Khánh Hòa. 

    Nhìn toàn cảnh, chùa Long Sơn có địa thế rất đẹp, lại thuận tiện cho khách tham quan. Chùa được dựng trên một khu đất cao, thoáng mát, cây cối xanh tươi, nằm bên cạnh đường giao thông và phố xá đông đúc mà giữ được vẻ thâm u, tĩnh mịch. Những dãy nhà làm học viện, văn phòng, tịnh thất hợp với ngôi chùa đồ sộ, tạo thành một cấu trúc hoàn chỉnh ẩn bóng dưới những hàng cây Bồ đề cao lớn, cành lá sum suê cùng những rạng cây kiểng bao quanh toả che bóng mát.


    Trong cõi đời thường ấy, chùa Long Sơn còn là một ngôi chùa có nhiều “báu vật” do trong quá trình phát triển, chư vị tiền bối ở chùa cùng tín đồ góp công tạo dựng. Tượng Phật Bổn Sư thờ nơi chính điện trong chùa được đúc bằng đồng, cao1.6m, nặng 700 ký. Sau khi thắp nhang, lễ chùa, đi theo con đường bậc cấp với 150 bậc, sẽ gặp từng cảnh quan lạ. Ngay sau lưng chuà là tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, chỉ vừa mới được xây dựng vào năm 2003. Tượng dài 20 mét, cao 6 mét. Làm phông cho tượng là một bức tường đá màu trắng pha chút xanh nhạt có đấp hình 36 vị La Hán ngồi hầu tạo nên một khung cảnh trang nghiêm tĩnh lặng. Cùng với con đường đá dẫn lên Kim Thân Phật Tổ, ngay lưng chừng đồi có một gác chuông với Đại Hồng Chung nặng 1.500 kg. Tiếng chuông nơi đây ngày hai buổi sớm tối vang ra cả những vùng lân cận và cả Thành Phố yên tĩnh này. Tiếng chuông nghe rất xa, và bao giờ cũng gây nhiều cảm hứng cho nhiều nhà thơ nhà văn mộ đạo hay thức khuya dậy sớm ở Nha Trang. Một số tác phẩm hành thế vang vọng âm hưởng của tiếng chuông:
 

THÂM U
Thoảng tiếng chuông chùa vọng
Bóng đèn khuya rung rinh
Nao nao lòng giếng quạnh
Hơi thu tràn hư linh.
(Mộng Ngân Sơn- Quách Tấn )

ÂM BA
Sương xuống hồi chuông lặng
Dư âm tràn hư không
Lửng lờ vàng gợn sóng
Trăng hồ thu mênh mông. 
(Mộng Ngân Sơn- Quách Tấn)
 

    Hay Phạm Công Thiện, lúc tu tại Phật Học Viện Trung Phần (1962-1964 )ở đồi Trại Thuỷ này cũng có làm bài thơ tức cảnh như vầy:
 

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.
Hồi chuông chùa vọng luân hồi
Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương
Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bặt gió hai đường âm u…

 

    Và cũng thế, khi mọi hoạt động của con người đã ngừng nghỉ sau một ngày lao động hay bôn ba với cảnh phong trần- đêm tĩnh mịch với phút giây lắng động, từ nơi đây vang vọng âm ba ngân xa tiếng chuông thức tỉnh:

Mây nước nhiễm phong trần,
Nơi đâu tình cố nhân,
Những đêm buồn tỉnh giấc,
Chùa cũ tiếng chuông ngân.
(Xứ Trầm Hương)

    Và cứ như thế tiếng chuông chùa ngân xa như giục lòng người tìm về bến Giác, trút bỏ mọi phiền não, sân si của kiếp nhân sinh.

    Ngược lên hướng đồi phía Tây với con đường nhỏ dẫn đến khu Tháp của chư vị Tổ sư và những vị cao Tăng đã dừng chân hành đạo tại Khánh Hoà. Chính nơi vùng đồi thiêng này, là nơi lí tưởng cho sự nghiệp hành đạo của bao vị cao Tăng của khắp nơi từ Huế, Quảng Trị, Phú Yên, Phang Rang, hay cả ở Miền Nam đến. Trong đó phải nói đến những vị cao Tăng bậc nhất đã có công rất lớn trong sự nghiệp giáo dục Phật giáo như Hoà Thượng Thích Trí Nghiêm, Hoà Thượng Thích Đỗng Minh, Hoà Thượng Thích Trừng Sang…Đây là những bậc Thạch trụ đã một thời ươm mầm giải thoát nơi Phật Học Viện Trung Phần, và đã trú ngự lại mãi mãi nơi vùng đất thiêng này. Phủ tàng che mát nghiêm trang cho những toà tháp này là những cội cổ thụ phủ bóng hàng trăm năm mang đậm nét Tòng Lâm cổ kính.

    Ngoài ra, nơi đây còn có một cảnh đẹp hữu tình khác nữa không thể bỏ qua. Đó là hoa viên Long Sơn Đại Tự bên phải con đường vào chùa. Nơi này đã có nhiều người thốt lời tấm tắc khen ngợi là "tiên cảnh giữa phàm trần". 

    Hoa viên Long Sơn vốn là một bãi đất hoang với ao nước đọng ô nhiễm án phía trước vẻ đẹp thanh tịnh của ngôi chùa. Ngày hôm nay, như một đóa sen vươn lên từ vũng lầy, hoa viên chùa Long Sơn đã trở thành một thắng cảnh quen thuộc với nhiều người. 

    Hoa viên chùa Long Sơn có lối bài trí giản dị chịu ảnh hưởng Thiền Tông. Đây chỉ là một hoa viên nhưng gói gọn đủ cả cảnh nước non sơn thuỷ hữu tình thu nhỏ tựa như một bức tranh thiên nhiên sinh động. Cây cối tự nhiên, không hàng không lối, tựa như cây cỏ đá hoa tự nhiên mọc lên, nhô lên mà cho nét đẹp vậy! Đang ngắm cây này, mắt lại thấy thấp thoáng hoa nọ ở đầu kia. Đang chiêm ngưỡng chậu hoa trước mắt, lại trông thấy đầu kia cành sen vươn lên như vẫy gọi. Càng xem ngắm, khách càng bị lôi cuốn, cứ muốn khám phá thêm mà không hề vơi đi hứng thú, cũng không hề nhàm chán. Càng ngấm thì lòng càng lại thấy vơi đi những nặng nề của cảnh trần gian tựa như đang hưởng tận một sự thanh thoát của cảnh siêu tục. Ở đây có những cây sung, thiên tuế và đặc biệt là cây Sa La ấn Độ, loại cây sinh sống, tỏa bóng râm trong khu vườn mà Đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, trong kinh có ghi là Sa La Song Thọ. 

    Nằm giữa những hoa lạ cây quý, đầu kia là một hồ cá hình bầu dục, đầu này là một hồ cá khác hình trái xoài, cả hai đều có hòn non bộ trông như núi thật, cảnh thật. Một hồ sen rộng, rất thoáng mát nằm bọc phía sau vườn hoa. Tại nhà trưng bày, một nhà sàn bày biện những rễ cây độc đáo, một nhà sàn nghỉ ngơi... tất cả đều rất hòa hợp với cảnh sắc yên lành, thâm trầm của vườn hoa. Đặc biệt là vẻ đẹp của tượng Thích Ca Mâu Ni mầu nâu sậm, cao hai thước, tĩnh tọa ngay dưới cội bồ đề cao lớn rủ cành buông toả bóng từ bi. Trên một nền cỏ xanh rì, có đá có hoa, có ao nước cá lội trước mặt, một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nổi bật lên trong tư thế ngồi thanh thản với tay cầm Cam Lồ Tịnh Bình, tay bắt ấn, gương mặt từ bi, nhìn Thiện Tài Đồng Tử đang đứng chắp tay cung kính giữa những ụ đất cao với cỏ xanh mơn chen giữa những tảng đá hình thù kì dị và những giòng suối nhỏ róc rách đêm ngày. Ngoài ra, còn có một hồ rộng đầy hoa sen, hoa súng nằm bao quanh một tịnh thất có kiểu dáng Nhật Bản với những chiếc cầu cong cong bắc ngang hai bên tịnh thất. Trước mắt khách có khác nào tiên cảnh bồng lai? Càng bước đi trong vườn hoa, khách càng ngẩn ngơ xao xuyến, có thể quên đi những lo toan phiền muộn trong cuộc sống đời thường. Ở vườn hoa này dường như cái gì cũng hiền từ, cũng thâm trầm lặng lẽ để tạo nên một không khí an vui tĩnh lặng. Ngay trên vách đá của nền nhà, bên con mương hoa súng rực hồng, với những đàn cá chép hồng bơi ung dung tự tại. Khắp đó đây được bầy những câu kinh Phật dạy được chạm nổi rõ to: "Phàm làm việc gì cũng phải nghĩ đến kết quả của nó". Vãn cảnh chùa Long Sơn, không ai bỏ qua cơ hội quá bộ vào vườn hoa để tìm những giây phút sảng khoái, thễ thả để rồi trở về với lòng xao xuyến bâng khuâng và tâm hồn bỗng an lành. Cuộc đời thật đẹp sao! 

    Phía bên trái của khu vực trước sân chùa là văn phòng Ban Trị Sự tỉnh Hội. Đây là nơi hội họp cũng như gặp mặt của Chư Tăng trong toàn tỉnh vào những khi có công tác phật sự cũng như vào những ngày lễ quan trọng. Phía ngoài là Trường Trung Cấp Phật Học Khánh Hoà, và khu nội trú của Tăng Sinh. Và đặc biệt mới đây (Năm 2007), Tỉnh Giáo Hội đã dựng tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức cao với bức phong giả sơn thật hùng vĩ phía trái cổng Tam Quan từ bên ngoài nhìn vào. Đây là công trình nhằm tưởng niệm nơi quê hương của Bồ Tát cũng như những đóng góp mà Bồ Tát đã phục vụ cho tỉnh nhà. 

    Với lịch sử trên 100 năm (1886-2005) kể từ ngày khai sơn lập tự và hiện hữu giữa trần đời, chùa Long Sơn trải nhiều đời trụ trì với nhiều lần trùng tu, nay đã lập nên những kỳ tích lưu truyền cho bao thế hệ mai sau như để nói lên sự bất biến vĩnh hằng của chánh pháp giữa cuộc sống vô thường này.

VỀ LỊCH SỬ ĐỊA CHÍ HÒN TRẠI THUỶ VỚI NHỮNG ĐIỀU LIÊN QUAN
    Non này thường được gọi là Hòn Xưởng. Tên chính thức đã được “trước bạ” trong sách vở là Khố Sơn, tục danh là Hòn Kho.

Ðại Nam Nhất Thống Chí chép:
“Khố Sơn ở phía Ðông huyện Vĩnh Xương độ hai dặm. Phía Ðông Nam có nền cũ kho Phương Sơn nên đặt tên như thế. Phía Bắc gần sông Ngư Trường. Năm Ất Mão đầu lúc Trung Hưng (1795) đại binh đánh phá tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu ở Bảo Khố Sơn tức là chỗ nầy. Trên núi có đền Quan Công và miếu Ngũ Hành.

    Lỵ sở Vĩnh Xương trước kia đóng tại Phú Vinh, nên sách nói “Khố Sơn nằm ở phía Ðông”. Và kho Phương Sơn là kho chứa lương thực từ thời chúa Nguyễn. Ðại Nam Nhất Thống Chí chép là “Khố Sơn” (dịch Hòn Kho ra chữ Hán). Ðó là những tên thông dụng. Núi còn một tên nữa rất ít người biết là Hoàng Mai Sơn gọi tắt là Mai Sơn, gọi nôm na là Non Mai. Tên này có trước tên Trại Thủy, Hòn Xưởng, Hòn Kho... Tên của khách văn chương đặt cho núi, và vốn coi mặt mà đặt tên.

    Hòn Trại Thủy trước thời thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, là một hòn núi mọc toàn mai. Những khóm mai cổ thụ, cội cao tàn cả, mọc chen vào những tảng đá hoa cương to lớn. Mỗi lần xuân đến hoa mai nở vàng cả núi. Hết mùa hoa mai thì lá mai đậm và láng trùm lên núi một màu xanh lục lìa và anh ánh. Sáng đông lá mai rụng hết núi trở thành một hòn núi trọc màu xám in những nét đen nhạt của những cành khúc khuỷu, những cội u nần của những khóm mai già rắn rỏi... Cảnh sắc mùa nào cũng đẹp đẽ nên thơ.

    Tên “Hoàng Mai Sơn” đã đẹp, núi lại còn một tên nữa cũng đẹp không thua “Ngọc Bức” tức la “con dơi ngọc”. Mệnh danh như thế là vì đứng ở Nam, xa xa nhìn thấy núi giống hình một con dơi nằm sải cánh, đầu hướng về Nam và trên núi có những tảng đá hoa cương nhấp nháy ánh sáng.


Ðề vịnh Hoàng Mai Sơn người xưa có câu:
Hoàng Mai sơn hạ La Phù mộng,
Ngọc Bức danh trung Hiệp Phố tình.


     Nghĩa là: Dưới núi Hoàng Mai chợp được giấc mộng La Phù; trong tiếng Ngọc Bức có ngậm chứa tình Hiệp Phố.
Và trông thấy Trại Thủy có vẻ hiền lành nên thơ, mấy ai ngờ rằng xưa kia đã xảy ra nhiều cuộc huyết chiến ngay dưới chân núi. Ðó là những trận đánh ác liệt giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn năm Quý Sửu (1793) tại bến Trường Cá. Và năm Ất Dậu (1885) nghĩa quân Cần Vương đã dùng nơi đây làm căn cứ chống Pháp.

    Khánh Hòa vốn là đất của Chiêm Thành gọi là Cù Huân (Kaut Hara). Cù Huân sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam khoảng đầu thế kỷ XVII, thời chúa Nguyễn, Cù Huân đổi thành dinh Bình Khang, sau đổi thành Bình Hòa. Dinh Bình Hòa chia làm hai phủ là phủ Diên Khánh và phủ Bình Hòa. Coi việc cai trị toàn dinh có quan Trấn Thủ. Dinh quan Trấn Thủ đóng tại Ninh Hòa gần sông (do đó sông Ninh Hòa mệnh danh là sông Dinh). Khoảng hậu bán thế kỷ thứ XVII, nhà Tây Sơn thắng chúa Nguyễn, dinh Bình Hòa thuộc về nhà Tây Sơn. Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu vào trấn Bình Hòa, nhận thấy Ninh Hòa không thể dụng binh bèn dời dinh Tổng Trấn vào Diên Khánh, xây thành đắp lũy để chống với quân chúa Nguyễn ở mặt Nam, về đường bộ. Ðể chống giữ về mặt biển, Trần Quang Diệu lại cách một đạo thủy binh xuống trấn miền duyên hải. Xét thấy núi Hoàng Mai Sơn vị thế hiểm trở, bèn dùng làm căn cứ quân sự. Trên núi thì cất trại lính, dưới núi về mặt Bắc gần sông lại đóng xưởng cất thuyền, lại đóng kho chứa lương thực. Vì vậy núi mới có tên là Trại Thủy hay Hòn Xưởng, Hòn Kho. Cuối thế kỷ XVIII Nguyễn Ánh đánh lấy lại được Dinh Bình Hòa. Quan trấn thủ do Nguyễn Ánh bổ nhiệm là Nguyễn Văn Thành vẫn giữ những căn cứ quân sự của Trần Quang Diệu để chống quân Tây Sơn. Năm 1802 Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn, nắm được toàn cõi Việt Nam, mới dẹp bỏ những căn cứ quân sự không cần thiết. Những trại xưởng, kho ở núi Hoàng Mai Sơn cũng bị phá hủy. Vật không còn, song danh không mất. Người địa phương vẫn gọi núi là Trại Thủy hoặc Hòn Xưởng, Hòn Kho.

    Ðến năm 1885 kinh đô Huế bị thực dân Pháp đánh chiếm. Vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng dậy chống thực dân Pháp. Nhân dân các tỉnh từ Huế trở ra và từ Huế trở vào đều ứng nghĩa CầnVương.

    Nghĩa binh Khánh Hòa do Trịnh Phong lãnh đạo dùng Hòn Trại Thủy làm căn cứ chiến đấu. Pháp đổ bộ lên bãi biển Nha Trang bị nghĩa quân Trịnh Phong chặn đánh không thể tiến bước. Nhờ lòng dũng cảm của nghĩa binh và thế hiểm trở của Trại Thủy, Trịnh Phong dã chiến thắng quân xâm lăng nhiều trận. Nhưng rồi có người trong nghĩa quân làm phản, đem những bí mật quân sự cho địch biết, lại bày mưu cho địch để đánh nghĩa quân. Thực dân Pháp theo lời hướng dẫn của tên Việt gian phản quốc, dùng hỏa công đánh úp nghĩa binh. Ðể bảo toàn quân lực, Trịnh Phong theo đường bí mật rút quân ra khỏi Trại Thủy về giữ thành Diên Khánh. Quân Pháp dùng thuốc súng đốt rụi tất cả cây cối, lều trại trên hòn Trại Thủy và sau khi dẹp xong phong trào Cần Vương ở mọi nơi và đặt xong cơ quan cai trị ở Nha Trang, thực dân Pháp trổ con đường từ Nha Trang lên Diên Khánh, dùng những tảng đá trên hòn Trại Thủy đập nát ra để lót đường. Từ ấy hòn Trại Thủy trở thành một hòn núi đất trơ trụi. Chỉ sườn núi phía sau còn vài lớp đá và trên núi còn vài khóm mai còi làm di tích cho những gì của núi đá có từ nghìn xưa. 

Đồi Trại Thủy

Khi lên chơi Trại Thủy, Thị Nại Thị nghĩ đến chuyện xưa, đề nơi đá mấy vần cảm khái:

Bước lên hòn Trại Thủy,
Dừng chân đứng nghỉ,
Ngẫm chuyện đời xưa:
Lầm chữ Trung bao kẻ bị lừa,
Bọc thây da ngựa để dựng cơ đồ cho ai!
Vơi vơi biển rộng sông dài,
Ðống xương vô định ai người khói hương?
Và rồi người tranh bá,
Và rồi kẻ đồ vương,
Sướng tay chẳng giữ mối giường,
Non sông đem gán cho phường sài lang!
Gan rèn đá
Dạ trui vàng
Mật thù thắm vị gian nan,
Quyết đem xương máu lấp đàng xâm lăng.
Gươm mài trăng dẫu khuất,
Gương rửa nhục còn treo.
Nước sông Trường Cá trong veo,
Nghìn thu suy thịnh thủy triều xuống lên.

 

    Trại Thủy là một hòn độc sơn nằm ở địa đầu thành phố Nha Trang, về hướng Tây.Núi cao chừng ba mươi, ba mươi lăm thước, dài độ năm sáu trăm thước. Triền phía sau toàn đá hoa cương và dốc ngược.
 
    Triền phía trước hơi lài lài, cũng bằng đá hoa cương nhưng có lẫn đất điệp.Khí sắc không được tươi nhuận. Cảnh tượng trông có vẻ trơ trụi khô khan. Xưa kia chỉ có miếu thờ Quan Công và miếu Ngũ Hành cất nơi “đầu con dơi”, được người Trung Hoa lập từ đời Hậu Lê có quy mô nhỏ hẹp. Chùa sau thờ Phật và có tên Bửu Phong Tự. Khi chùa Linh Phong trên Xuân Phong bị cháy dời xuống Xuân Lạc đổi tên là Liên Hoa, có người được tấm biển Linh Phong Cổ Tự mang cúng cho chùa Bửu Phong, với tấm biển đó mà sau này chùa Bửu Phong có tên là Linh Phong. 
Năm1943, Hòa Thượng Giác Phong (HT Bích Không ) dời chùa Hải Đức từ dưới Phố nằm ở khu vực đường Hai Chùa (nay là đường Tô Vĩnh Diện) lên nơi “cánh hữu con dơi” như hiện nay. Năm 1956, Phật Học Viện Trung Phần được thành lập nơi đây và là nơi làm nên Phật giáo một thời với những tên tuổi danh Tăng xuất chúng.

    Dưới chân núi, nơi góc tiếp giáp “cổ dơi” và “cánh tả” là ngôi chùa Long Sơn này. Và, một con đường chạy quanh co theo triền núi nối liền Chùa Hội cùng chùa Hải Ðức. Đại sư Giác Phong tức Hoà Thượng Bích Không là một bậc văn chương kì xuất đã có một câu đối rằng:

Kim Sơn Long Sơn tại kỳ tả hữu,
Nha Hải Phước Hải bổn bất khứ lai.

    Kim Sơn là chùa trên núi Gành của làng Ngọc Hội phía trên. Long sơn chính là chùa Long Sơn. Nha Hải là biển Cù Huân. Phước Hải là làng phía trước
.
    Sau này ở phía mép dưới phía Đông của núi, phần đuôi dơi được thành lập thêm một ngôi chùa Ni có tên là Tịnh Đức nữa. Nhờ tay người điểm trang, mà hòn Trại Thủy nay trở nên xinh lịch.
Những thú đăng lâm của du khách ngoài ở nơi chùa nơi núi, còn ở nơi vọng cảnh chung quanh.

    Nhìn ra phía sau núi: Ngoài con sông Cù nay gọi là sông Cái giống như tấm lụa bạch, phân dòng uốn khúc, chảy xuống biển Nha Trang lai láng màu thủy ngân, ngoài dãy núi Cù Lao chạy dọc theo bờ sông mé biển, với tháp với lầu, với cây xanh đá xám, soi hình in bóng trên mặt sóng rung rinh... Ngoài những cảnh ấy, những cảnh đã thấy khi đứng trên núi này, du khách còn được thưởng thức quanh cảnh những vườn dừa nối liền nhau không dứt của các làng Lư Cấm, Ngọc Hội, Vĩnh Hội, Vĩnh Ðiềm... nằm dưới chân non và trải một màu xanh óng ánh như mặt biển xuân buổi sớm mai lặng gió...

    Nhìn ra mặt trước núi: Nào vườn rau tươi màu xanh, đồng lúa khi trải vàng khi giăng lục; nào xóm làng ẩn hiện nơi bóng cây quần trái, mai chiều điểm nhạt đôi cánh cò trắng quẩn quanh... Và thành phố Nha Trang trông suốt từ đầu đến cuối; Cửa nhà bát úp, đường sá màn nhện giăng... ban ngày ngựa xe, ban đêm ánh đèn điện, tưng bừng rộn rịp... nhưng bụi đời không làm bợn bầu không khí thanh tịnh trên đầu non. 

    Trước mặt hòn Trại Thủy, cách một cánh đồng rộng thênh thang, một dãy núi giăng dài từ Tây xuống Ðông, dọc theo đường Quốc Lộ số 1. Ði trên Quốc Lộ trông vào thấy nhiều hòn giống như linh quy đương bò lên hướng mặt trời lặn.Ðó là dãy núi Hoàng Ngưu (Đồng Bò).

    Thấy Trại Thủy đứng giữa đất bằng, nhiều người tưởng là một hòn núi độc lập. Nhưng theo các nhà địa lý học thì núi thuộc hệ thống vùng núi Cao Nguyên. Và các nhà phong thủy tục gọi Thầy Ðịa, cho biết rằng đó là Trần Thủy Khẩu của dãy núi phía Tây Diên Khánh. Long mạch phát từ Hòn Thị, chạy ngầm dưới đất đến gần cửa sông Cù thì đột khởi làm cột trụ giữ anh khí cho cuộc đất Diên Khánh Vĩnh Xương. Và thành Diên Khánh lấy Hòn Thị ở phía Tây làm hữu bật, lấy hòn Trại Thủy ở phía Ðông làm tả phù. Vì vậy, về mặt phong thủy, hòn Trại Thủy là một trong những hòn núi quan trọng tỉnh Khánh Hòa.

    Đối với hàng văn nhân thi sĩ, vùng đất đậm nét Sơn Môn này lại có nhiều nhân duyên. Một phen đến nơi, không mấy ai không tìm thấy cảm hứng, không lưu lại ít nhiều cảm tình.

    Thạch Trung Giả khi lên tịnh dưỡng nơi gác trống của Chùa Hải Đức (năm 1960 và 1961) cũng đã sáng tác được nhiều giai phẩm. Một số thơ đã đăng tải ở tập san Liên Hoa Huế. Nổi bậc là bài thơ sau đây:

LẦN TRÀNG
Hoàng hôn buông xuống
Chiều xanh xanh huyền
Tiếng ai dâng lên
Lầu kinh Bát Nhã
Triều yên sóng cả.
Bàn tay lần tràng
Nổi trên mênh mang
Vần xoay hạt hạt
Kim ô chìm tắt
Song nhỏ bừng châu
Bàn tay truyền mau
Vần xoay tinh đẩu.

    Trong Mộng Ngân Sơn - Quách Tấn, bài Bồi Hồi gởi Hoà Thượng Thích Trí Thủ:

Trăng lên đồi Trại Thủy,
Chuông khuya ngời âm ba,
Bồi hồi mây khóa viện.
Sân bồ đề sương sa.
Bài Lịu Địu, gởi Phạm Công Thiện:
Áo giũ ngày sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm nắng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
Và bài Chuông khua trong Đọng Bóng Chiều:
Từng giọt châu rơi mắt mẹ hiền
Mừng con lưu lạc trở đoàn viên
Neo thu bến tạnh thuyền sương sóng
In bóng chùa xa trăng nửa hiên.

    Những bài thơ trên đều mang hình ảnh vẻ đẹp nét tâm linh thiền môn ở nơi đây.
Ngoài ra ở đây cũng xin nói thêm một điều nữa mà có lẽ xưa kia cũng xuất hiện ở ngay vùng núi Trại Thuỷ này. Nhân dân trong các tỉnh lân cận Khánh Hòa thường truyền tụng: “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận”, và trong tỉnh Khánh Hòa lại còn có câu: “Cọp Ổ Gà, Ma Ðồng Cháy” như thế chứng tỏ rằng Khánh Hòa có nhiều cọp cũng có nhiều ma. Cọp và ma ngày trước ở ngay tại Nha Trang này chứ không đâu xa, mà Thuần Phu Trần Khắc Thành ở khóm Duy Hà, phường Xương Huân có câu:

Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt
Phước Hải xuân về cọp thưởng mai.

    Tại Mả Vòng xưa kia có một ngôi mả vôi to lớn hình tròn nằm choán cả lối đi, khách bộ hành đi ngang qua đó đều phải đi vòng qua mộ - nên mới gọi là Mả Vòng. Truyền rằng nơi Mả Vòng có rất nhiều ma. Ðến lúc hoàng hôn ma thường hiện ra ngồi bên mả, đợi người đi qua thì “hớp hồn”. Do đó mà kẻ dừng lại phải cố gắng làm sao để qua khỏi Mả Vòng lúc mặt trời chưa lặn.

    Sau khi Pháp đặt nền cai trị lên đất Khánh Hòa liền mở rộng con đường Diên Khánh - Nha Trang và dời mả ấy đi nơi khác. Tuy mả đã dời nhưng người đi đường vẫn còn sợ và ít người dám cất nhà ở chung quanh vùng này. Mãi đến năm 1930-1945 mới có phố xá nơi Mả Vòng.

    Còn vùng Phước Hải xưa kia chỉ là một rừng mai vàng - mỗi bận xuân về mai nở trùm cả trăm mẫu đất. Từ khi Pháp chiếm Khánh Hòa rừng mai Phước Hải bị dân đốn làm củi nên ngày càng ít đi và đến nay thì không còn vết tích nữa. Khi rừng mai còn rậm, cọp ở núi Huỳnh Ngưu tức Ðồng Bò, thường xuống tìm mồi...

    Còn một câu nữa cũng cho thấy cọp ẩn núp đâu đó trong Thành Phố Nha Trang mà Nguyễn Tư Giản làm quan dưới triều Tự Đức (1828-1883) đã tả:

Ðại Lãnh văn viên vô nguyệt hạ
Nha Trang xạ hổ loạn vân gian.
Nghĩa là: Lắng vượn trăng mờ đêm Ðại Lãnh
Bắn hùm mây rối núi Nha Trang.
Hay Quách Tấn cũng nói:
Nha Trang có cọp có ma
Có đầm én có rừng hoa mai vàng.

    Với những gì được nêu lên ở trên cũng đủ cho thấy công lao xây dựng của chư vị Tổ sư cũng như chư Tôn Thiền Đưc từ buổi khai hoá để cho Long Sơn có được như ngày hôm nay thật lớn lao biết dường nào.

LỜI KẾT
    Chùa Long Sơn xưa và nay, luôn hoá hiện sự oai nghiêm với trầm- hương ngào ngạt, phảng phất không khí linh thiêng thanh tịnh giữa chốn trần, làm nơi nương nấu cho không biết bao tâm hồn lữ khách tìm về nương tựa để rửa sạch cấu nhiễm bụi phiền tựa như lời của danh nhân xứ Trầm Hương Quách Tấn: “Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón gió mát, tưởng chừng mình đã xa cách hẳn cõi trần tục”. Hay mơ mộng hơn nữa như lời thơ của ông:

“Gió ru hồn mộng thiu thiu,
Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầy non” 

    Nếu như không có tiếng chuông lay mộng, thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây, hay vẫn làm con Ong vương hương bay lơ lửng trong hồ sen yên tịnh. Hi vọng rằng tiếng chuông ấy sẽ còn thức tỉnh nhiều hơn nữa những tâm hồn còn lạc lõng trong chốn trần hồng này. Và chùa Long Sơn sẽ mãi là nơi hoài vọng cho tất cả mọi người không chỉ mong tìm về với nét đẹp kì vĩ của nó mà còn hướng về với đời sống tâm linh Phật Giáo để mong được ngâm mình trong nguồn suối mát từ bi giải thoát của đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Những gì người viết được trộm nghe từ những bậc tiền nhân truyền khẩu, cũng như được tìm thấy ở một vài tài liệu nhỏ nhoi để nói về một danh thắng tuyệt bích cả về ý nghĩa cái đẹp hữu tình lẫn cái đẹp của nguồn sống tâm linh Phật giáo như Chùa Long Sơn này chắc không làm sao tránh được những thiếu sót. Người viết chỉ tâm nguyện được thành kính nêu lên những điểm sáng mà chư vị tổ sư cũng như chư Tôn Thiền Đức Cao Tăng đã dầy công thắp lên ngọn đuốc Phật Pháp ngời sáng ở nơi đây. Để được nêu lên giá trị nguồn sáng ấy trọn phần toàn vẹn, người viết rất mong sự chỉ giáo và góp ý nhiều từ Chư Tôn Thiền Đức cũng như chư vị tiền bối thức giả.

Chùa Linh Sơn Pháp Bảo
Trung tuần tháng Hai năm Mậu Tý - PL.2552
Tài Liệu Tham Khảo:
 Xứ Trầm Hương- Quách Tấn
 Nước Non Bình Định- Quách Tấn
 Quách Tấn, Qua Cái Nhìn Phê Bình Văn Học- Nhiều Tác Giả.
 Hướng Về Tháp Bà Thiên Y- Quách Dao
 Những Ngôi Chùa Ở khánh Hoà- Trang: www.quangduc.com
 Danh Lam Nước Việt - Võ Văn Tường

Tác giả bài viết: TK.Thích Tâm Tôn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Then Lam Phat Tich
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây