LẼ SỐNG Ở GÓC ĐỘ LÝ TƯỞNG Ý CHÍ
- Thứ sáu - 14/04/2017 09:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo thuật ngữ Phật học gọi là Tinh thần vô uý[1], tinh thần này vượt ra ngoài quĩ đạo của bản ngã tầm thường của người đời. Chư Phật và Bồ tát đều có đầy đủ đức tính này. Đây chính là tinh thần Vô ngã và xả chấp, dấn thân nhập cuộc, hoà quang đồng trần, là sứ mệnh độ sinh của chư Phật và chư đại bồ tát. Tinh thần vô uý này cũng là Vô uý thí trong Bố thíba-la-mật; và cũng là một trong 3 đức tính Bi – trí – dũng, 3 đức tính này cũng chính là "tam vị nhất thể" của trí bát-nhã[2]. Hay nói cách khác, tinh thần Bồ tát đạo, tiêu biểu cho hạnh nguyện độ sinh của chư vị Bồ tát hi sinh quên mình vì người để thực thi hạnh nguyện ban vui cứu khổ cho đời.
Dũng này có thể nhìn nhận qua 2 góc độ: Dũng của Chính nhân quân tử và Dũng của Thánh hiền xuất thế.
I. DŨNG CỦA CHÍNH NHÂN QUÂN TỬ:
Ở đời, chúng ta có thể nhận thấy rất nhiều bậc chính nhân, quân tử, anh hùng,… đã nằm xuống cho hồn thiêng sông núi sống mãi, cho gấm vóc giang sơn vững bền, cho chính nghĩa được tôn thờ, cho người người được sống an vui!... Lắm khi họ là những anh hùngvô danh, nằm xuống không một người thân, không một điếu văn, không một mộ chí,… Nhưng sự hi sinh cao cả của họ đã làm cho người đời tiếc nuối khóc thương!
"Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai
Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!
Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần, nhìn anh đến những xót xa đành nói cùng hư không!… "[3]
Họ là những con người được sinh trong trời đất, chí Nam nhi như một món nợ phải trả cho đời! Họ sống thật oanh liệt, chết thật oai hùng! Dù sống hay chết không thẹn với trời đất, sống để làm nên đại sự, chết để lưu dấu sử xanh!
Văn Thiên Tường, Tống thừa tướng, được sử Tàu phong tặng một trong "Tống vong tam kiệt"[4]; ông còn là một nhà thơ, nhà văn. Văn chương ông có lời lẽ khảng khái, hào hùng của kẻ sĩ trong thời nước nhà lâm nguy. Khi triều đình nhà Tống Trung Hoa mất trong tay quân xâm lược Nguyên Mông, Hốt Tất Liệt đề nghị nếu ông thần phục sẽ được phong làm Thừa tướng, nhưng ông thà chịu chết chứ không chấp nhận. Năm 1283, ông bị đưa đến Kim Loan điện để gặp Hốt Tất Liệt. Ông đứng sừng sững, bị lính đánh đến gãy xương, vẫn không chịu quỳ, vua Nguyên hết cách bèn đem ông giết nhưng vẫn khen là "chân nam tử". Ông chết lúc mới 47 tuổi. Khí tiết của Văn Thiên Tường ảnh hưởng rất nhiều đến sĩ phu đời sau qua hai câu thơ:
"…
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh"[5].
(…
Xưa nay hỏi có ai không chết?
Hãy để lòng son chiếu sử xanh.)
Tương tự, trong diễn đàn văn chương và thi ca Việt Nam, "Chí Nam Nhi" của Nguyễn Công Trứ cũng đã giống lên một tiếng chuông cảnh tỉnh, làm xao xuyến lòng yêu nước của bao nghĩa sĩ tri thức trong thời nô lệ thực dân; hơn nữa, nó còn là vần thơ bất hủ, là ánh sáng lý tưởng vượt thời gian soi đường cho Thanh - thiếu niên Việt Nam.
"Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
…
Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ
…".
Đây có thể được xem như một trong những hạt nhân khởi đầu cho tinh thần yêu nước khắp mọi niềm Tổ quốc trong thời cận đại, châm ngòi cho tiếng pháo chống kẻ thù xâm lược, tạo nên sức mạnh bức phá hợp quần ý chí dân tộc đứng lên đạp đổ áp bức xích xiềng ngoại bang, giải phóng nô lệ cho dân tộc, quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, đem lại sự hoà bình cho một Việt Nam thân yêu hôm nay.
Đặc biệt, tinh thần trượng nghĩa ấy được các nghĩa sĩ trong phong trào Cần Vương, khởi nghĩa chống thực dân xâm lược như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Tùng Châu, Trần Quí Cáp,v.v… đã bất khuất, hiên ngang trước rừng đao kiếm, khẳng khái xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.
"Chết nào có sợ, chết như chơi;
Chết bởi vì dân, chết bởi thời,
Chết danh tiếng lưu vang ngàn thuở,
Chết danh bia lưu tạc mấy đời"[6].
Có những cái chết đi vào huyền thoại. Trong cảnh hãi hùng, ranh giới giữa sự sống và cái chết cách nhau bằng đường tơ kẽ tóc, nhiều người vẫn giữ tròn khí tiết hiên ngang anh dũng, xem cái chết như một cõi đi về! Thật sự cái dũng của họ khiến mọi người phải rơi lệvà nghiêng mình kính phục. Cao Bá Quát, một nhà thơ, một nghĩa sĩ trí thức trong thời loạn, muốn làm một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trước ách xích xiềng đoạ đày cho nhân dân bần khổ dưới chính sách bóc lột khắc nghiệt của triều đình phong kiến hủ bại, nhưng chí nguyện không thành, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt và đưa ra pháp trường hành quyết, nhưng vẫn hiên ngang diễu cợt với cái chết, khẳng khái khi bước lên đoạn đầu đài:
"Ba hồi trống giục mồ cha kiếp,
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời".
Có những cái chết đi vào bất tử, cái chết biểu hiện dũng khí ngút ngàn, hi sinh vì nghĩa, chết cho muôn người được sống, chết cho hồn thiêng sông núi được sống mãi, chết cho non sống gấm vóc được vững bền, chết cho mọi người được sống bình an, như Hịch tướng sĩ mà Trần Hương Đạo ca ngợi: "Ta thường nghe, Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Đức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa, các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước đời nào chẳng có? Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì đến chết cũng hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ được?"
Với dũng khí ngoan cường "nhứt nhân đấu vạn địch", lấy nhu thắng cương, nhược thắng cường, lấy chính nghĩa thắng phi nghĩa, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã khẳng định sức mạnh chân lý tất thắng ấy của cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng dân tộc khỏi ách xích xiềng:
"Lấy yếu chống mạnh hoặc đánh lúc bất ngờ
Lấy ít địch nhiều hoặc dùng quân mai phục
Lấy đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thắng cường bạo".
Để cho đất nước được thái bình, giang sơn về một mối:
"Xã tắc từ đây sẽ vững yên
Non sông từ đây sẽ đổi mới
Càn khôn đã bí mà lại thái
Nhật nguyệt đã mờ mà lại trong".
Đặc biệt, hào hùng hồn thiêng sông núi sống mãi cùng đất trời, với tinh thần bất khuất của dân tộc Đại Việt, giòng giống con rồng cháu tiên, như một áng thiên thư bất hủ, như một bảntuyên ngôn độc lập đầu tiên, xác định chủ quyền bờ cõi của dân tộc Đại Việt. Hơn nữa, đây cũng là bản cáo trạng đanh thép định tội kẻ thù, 10 vạn quân Tống xâm lược bị quét sạchkhỏi bờ cõi.
"Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".
(Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.)
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quân dân Đại Việt như cơn lốc thần tốc chiến luôn cả 3 Châu quận: Châu Khâm, Châu Liêm và Châu Ung của triều đình nhà Tống Trung Hoa. Cho biết một Việt Nam rất đổi hoà hiếu nhưng cũng rất ư ngoan cường trước mọi mưu đồ của thế lực ngoại bang trong thời chiến mà Lý Thường Kiệt đã mượn Thơ thần để thông cáo cho cả trời đất, để áp đảo ý chí quân thù trong một đêm đầy phong ba sóng cồn của dòng sông Như Nguyệt, làm cho quân ta phấn khích tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu quật cường; nhưng lại làm cho quân địch thất vía hồn kinh, không còn ý chí chiến đấu.
7 thế kỉ sau đại thắng nhà Tống thật oai hùng ấy, năm Kỷ Dậu (1789), quân Thanh xâm lược phương Bắc lại tràn sang xâm chiếm nước ta. Bằng một giọng đanh thép, Vua Quang Trung đã tuyên thệ trước Tướng sĩ và hồn thiêng sông núi trước lúc xuất quân, đánh đuổiquân xâm lược:
"Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ"[7].
Thật vậy, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lập nên chiến công lẫy lừng vô tiền khoáng hậu: trong vòng ngày 20/ 1/ 1785 (10 tháng 12 năm Giáp Thìn) đã tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm ở trận Gạch Gầm – Xoài Mút; và chỉ trong vòng 6 ngày (từ 30 tháng Chạp năm Mậu Thân đến Mùng 5 tháng Giêng năm Kỉ Dậu (1788) tiếng quân từ Nam ra Bắc, đánh thắng các trận: Ngọc Hồi, Đống Đa và Thăng Long, dẹp tan 20 vạn quân Thanh do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy. Đây là một trong những chiến thắng hào hùng tương đương với chiến thắng Nguyên Mông (cuối thế kỉ XIII) của dân tộc Việt Nam được ghi trong Chiến quốc sử thế giới.
II. DŨNG CỦA THÁNH HIỀN XUẤT THẾ:
Chư Phật Bồ tát xuất hiện ở đời vì chúng sinh mà khởi đại bi tâm, khải mê khai ngộ. Các Ngài đã phát đại nguyện ban vui cứu khổ, phụng sự cho chúng sinh mà không quản nại mọi khó khăn, cho dù dấn thân vào dầu sôi lửa bỏng, bằng cả sức mạnh của ý chí, của dũng khí, của vô ngã và vị tha.
"Chúng sinh độ tận mới chứng bồ đề
Địa ngục chưa hết thệ chẳng thành Phật".
(Chúng sinh độ tận phương chứng bồ đề,
Địa ngục vị không thệ bất thành Phật)[8].
Hay:
"Sinh tử thiêu đốt, khổ não khôn lường.
Phát tâm đại thừa cứu độ tất cả;
Nguyện thay chúng sinh chịu nhiều khổ não,
Để cho chúng sinh được trọn an vui".
(Sinh tử xí nhiên, khổ não vô lượng.
Phát đại thừa tâm, phổ tế nhất thiết;
Nguyện đại chúng sinh, thọ vô lượng khổ;
Linh chư chúng sinh, tất cánh đại lạc.)[9]
Hành trạng của chư vị Bồ Tát ứng thân thị hiện cõi Ta bà, hóa độ chúng sanh với nhục thân qua cái nhìn bình thường của một con người, rất khó có thể nhận ra. Các Ngài vân du tự tạikhắp mọi nơi. Khi tâm lượng chúng sanh cảm thì Bồ Tát ứng; khi chúng sanh niệm tưởng danh hiệu thì Bồ Tát hiện tiền. Tâm đại bi và bản hoài tế độ bao trùm khắp tam thiên thế giới, lòng đại bi vượt lên mọi đối đãi nhị biên. Chư thiên, loài người và tất cả chúng sanh chí thành ngưỡng vọng, như những đóa hồng liên xinh tươi đang rực cháy trong lò lửa đỏ, nhưng vẫn hiến dâng cho đời ngào ngạt hương thơm. Tiêu biểu cho lời nói và hành động của Bồ tát Thích Quảng Đức đã minh chứng cho tinh thần uy lực ấy, đã làm rúng động cả 5 châu:
"Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh ai còn 'ngốc'
Tro trắng phẳng san hố bất bình
Thân cháy nát tan ra tro trắng
Thần thức nương về giúp sinh linh
Hởi ai mộng ảo đang còn mộng
Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình.
Dâng chư Hiền Thánh Tăng:
Phật giáo sử vàng máu thay son
Than ôi! Quỷ kế họ vẫn còn
Quyết diệt suy tàn nền Chánh Pháp
Làm cho Tăng, Tín phải chết mòn
Vì sự bất công tôi thiêu xác
Khói hồn nguyện độ kẻ hàm oan
Kính chúc Tăng, Ni tâm dũng tiến
Chánh Pháp ngày mai phải trường tồn.
Cùng toàn thể tín đồ Phật giáo và Phật tử tại gia:
Hãy quên bản ngã bỏ cái ta
Gấp sửa thân tâm vì đại cuộc
Ngàn năm sử Việt vẫn Phật gia
Thân tôi dù cháy linh thiêng máu
Thần thức tôi luôn giúp đạo nhà
Đã mang đoàn thể còn nòi giống
Bi, Trí, Hùng sao chẳng đem ra.
Cùng hàng Phật tử quy y, thế độ và xuất gia:
Thầy đã đến lúc biệt các con
Ba mươi năm hạnh nguyện đã tròn
Những gì đáng độ Thầy đã độ
Thầy tranh Chánh pháp lúc mất còn
Gia Định Sài Gòn hỡi các con
Hà Tiên, Cai Lậy Thầy vẫn còn
Nam Vang, Núi Lớn Thầy ghi dấu
Khánh Hòa đệ tử vẫn ân son"[10].
Vì mục đích cao cả như thế nên trước khi từ giã cõi đời, Ngài đã soạn trước bản di chúc một cách "bình thản và kín đáo"[11]. Ngài nhắn nhủ với mọi người và ngay cả với người lãnh đạo miền Nam lúc bấy giờ với lòng từ ái, không một niềm sân hận hay oán trách. Ngài nói với Tổng thống miền Nam: "Tôi xin trân trọng kính gởi lời đến Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng từ bi bác ái mà đối với quốc dân…"[12].
Phật Giáo Đại thừa có gương Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỉ Kiến đốt thân làm Pháp cúng dường thức tỉnh tà kiến cho Phụ vương[13]. Trong mùa Pháp nạn 1963, nhiều Tăng Ni và Phật tử đã phát nguyện tự thiêu[14] để bảo vệ Đạo pháp, làm đuốc soi đường cho chúng sinh thoát ra khỏi cảnh tối tăm đoạ đầy, gióng lên tiêng chuông cảnh tỉnh lương tâmcho các nhà cầm quyền đương thời. Hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức ngồi kiết già uy nghi thiền định trong ánh lửa hồng toát lên tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi. Ngọn lửa ấy làm rúng động cả thế giới, Năm châu biết đến một Việt Nam vẽ vang và kiêu hùng; đồng thời, ngọn lửa anh linh ấy như cảnh báo trước cho một sự cáo chung của một chế độ độc tài chuyên chế.
Đặc biệt, chúng ta còn nhận thấy tinh thần dũng lực này xuất hiện trong những bài học tiền thân Đức Phật (Jātaka). Khi Ngài còn là Bồ tát với mọi hình thức tái sanh, từ chư thiên vàloài người cho đến muông thú,v.v... Dù ở hoàn cảnh nào, Bồ tát luôn thể hiện từ bi, trí tuệ và dũng lực để cứu độ chúng sinh. Đây chính là hạt giống giác ngộ ươm mầm cho Đạo quảBồ đề hiện tại, tức Tối hậu thân của Ngài khi bước lên ngôi chánh giác.
Từ trong vô lượng kiếp quá khứ của Đức Phật, Ngài thực hành tinh thần Bồ tát đạo, chẳng từ gian lao, không nài khổ nhọc, xả thân mình phụng sự chúng sinh. Trong các mẫu chuyện tiền thân Phật tiêu biểu hết sức cảm động: Một lần nọ, khi còn là Thái tử Ma-ha-tát-đoả (Mahā-Bodhisvāhā), trong một dịp đi vào rừng, Thái Tử thấy một con cọp đói vì thiếu thức ăn mà mấy con cọp con sắp chết đói, Thái Tử đã động lòng thương và thầm nghĩ rằng: "Ta phải tích cực hành động để tạo an lành cho kẻ khác. Phải rải tâm từ đến tất cả chúng sanh. Phục vụ những ai cần đến ta là nhiệm vụ trọng đại. Ta hãy hy sinh tấm thân ô trược nầy để cứu mạng sống cho cọp mẹ và năm cọp con. Do hành động xứng đáng nầy, mong rằng ta sẽ bước lần đến bậc giác ngộ hoàn toàn, hầu cứu độ chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi đau khổ. Ước mong tất cả chúng sanh đều an vui hạnh phúc. Nghĩ vậy Thái Tử xả thân cho cọp mẹ ăn để cứu sống bầy cọp con đang sắp chết vì đói"[15].
Theo tinh thần Đại thừa, hành giả tu tập và hành trì Bồ tát giới, không những không làm những điều ác (Nhiếp luật nghi giới), mà còn phải làm tất cả các điều thiện (Nhiếp thiện pháp giới) và cứu độ tất cả chúng sinh (Nhiêu ích hữu tình giới). Tinh thần Bồ tát đạo đề cao lợi tha hơn là tự lợi, độ tha hơn là tự độ, nên phát đại nguyện: trên cầu Phật đạo vô thượng để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, dưới phát nguyện độ thoát vô lượng chúng sinhkhỏi biển khổ sinh tử; thậm chí sẵn sàng hy sinh cả thân mạng của mình để cứu giúp chúng sinh. Một người Xuất gia thọ giới Tỳ Kheo, không giết hại khả dĩ không phạm vào giới căn bản Ba-la-di (trọng tội), nhưng đối với một vị xuất gia đã thọ giới Tỳ Kheo và cả Bồ Tát giới, nếu chứng kiến cảnh chúng sinh bị sát hại mà không ra tay cứu giúp là phạm giới. Bồ Tát sẵn sàng hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống của chính mình cũng không tiếc nuối để thực thi sứ mạng cứu độ tất cả chúng sinh.
Phật dạy: "Nhẫn đến đem xác thịt cùng tay chân mình ra để bố thí cho tất cả những cọp, sói, sư tử đói, cùng tất cả loài quỷ đói"[16].
Trong Lục độ Ba-la-mật[17], Bố Thí ba-la-mật (s:dāna-pāramitā) là hy sinh thân mạng mình để giúp đỡ cho chúng sanh. Hy sinh thân mạng, đốt thân cúng dường và ngay cả dùng thân mình làm thức ăn cho chúng sinh trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, hoặc vì cứu giúp cho kẻ khác mà phải bị mất mạng là việc làm được khuyến khích và được cho là vĩ đại và cao quý nhất. Vì rằng, khi quán sát một cách sâu xa vào Tuệ giác ba-la-mật (s:prajñā-pāramitā), Bồ tát thấy rằng thân Năm uẩn này đều là không, là giả, là vô ngã; cái chết trong hiện tại cũng chỉ là một chặng đường trên hành trình thực thi hạnh nguyện độ sinh, ngay trong phút giây ngắn ngủi của kiếp sống này mà thực hiện được việc làm ý nghĩa to lớn nên sẵn sàng hi sinh.
"Đại Thừa Bồ Tát không bị giới hạn vào đời sống của thân này. Dẫu cho đời sống đó có chết đi, cũng gây được nhơn duyên hoá độ cho đời sau. Thuở xưa, đức Phật đã kết duyênbằng việc đem xương thịt mình bố thí cho những người đói, nên khi thành Phật, rồi nhờ nhân duyên đó mới tiếp độ cho họ đắc pháp"[18].
Bồ Tát đã thành tựu Vô sinh pháp nhẫn[19] phải luôn luôn sẵn sàng bố thí: "quốc thành, vợ con và cả thân mạng của mình; Bố thí như thế mới là Đại thí".
Phật dạy: "Lúc đại Bồ Tát thực hành Bố thí ba-la-mật-đa (s:dānapāramitā) cứu độ chúng sanh, đại Bồ Tát vì chúng sanh mà làm thí chủ. Nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn đến cầu xin, Bồ Tát đều thí cho, cần ăn cho thức ăn, cần uống cho món uống, những vật ngon của lạ đều thí cho hết. Hoặc có người cầu xin y phục, xe cộ, hương hoa, giường ghế, chiếu mền, thuốc men, đèn đuốc, âm nhạc, tôi tớ, vàng bạc, châu báu, voi ngựa, rừng vườn, suối ao, trai gái, thê thiếp, kho tàng, hoặc có kẻ cầu xin đồ dùng của Chuyển Luân Vương, hoặc cầu xin tay chân, đầu mắt, máu thịt, xương tủy. Bồ Tát đều có thể vui mừng thí cho. Tóm lại, đại Bồ Tát thực hành đại thí khi thấy người đến cầu tất cả vật cần dùng ở thế gian đều thí cho cả"[20].
Hơn nữa, khởi nguồn từ những tâm nguyện cao cả ấy, biết rằng cuộc đời này rồi ai cũng phải chết, sống tranh quyền đoạt lợi, sát phạt lẫn nhau, gây ra bao cảnh tang thương nghiệt ngã. Qua lời khuyên của người xưa hết sức chí lý và chân tình, tại sao chúng ta phải trả cái giá quá đắc cho cái tham ái khát vọng trong cuộc đời ngắn ngủi này bằng món nợ ác nghiệp cho ngàn năm sinh tử luân hồi? Hãy vượt qua mọi hèn nhát, yếu đuối; mọi thói hư, tật xấu của bản thân! Hãy nói không với ác ma và ác nghiệp! Cuộc đời ngắn ngủi, chỉ giới hạn trong trăm năm, hãy tận dụng đời sống ngắn ngũi này mà thực hành việc làm công đứcdứt ác, hành thiện và độ sinh. Tất cả đều vô thường giả tạm, nhưng bồ đề tâm vẫn sắc son,bất hoại.
"Trăm năm trước thì ta chưa có,
Trăm năm sau có cũng hoàn không,
Cuộc đời sắc sắc không,
Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi"[21].
Chúng ta còn bắt gặp cái ý chí dũng khí nằm ngoài vòng nhân luân, ngoài vòng cá nhân và vị kỉ,… mà vì tấm lòng đại bi, hi sinh phụng sự; vượt ra ngoài sự chi phối của hữu ngã, của sinh tử, luân hồi. Đó là tâm nguyện của Bồ tát trên đạo lộ hoá độ chúng sinh khỏi đêm trường tăm tối của luân hồi khổ thú, vượt qua sông mê bể khổ trầm luân thẳng đến bến bờ của giác ngộ và giải thoát.
"Bồ Đề Tâm dứt dòng phiền não,
Biển tử sinh, nghiệp báo viên dung.
Kim cang đại trí thần thông,
Phá trừ ma đạo, đại hùng, đại bi.
Bồ Đề Tâm phá trừ tà kiến,
Như kim cang tinh luyện trung kiên.
Như Kim-cang-tạng Đại Thiên,
Tựu thành chánh giác, dẹp yên ma đồ"[22].
Đồng thời, Dũng còn là yếu tố thứ 3 trong Bố thí ba-la-mật (s:dānapāramitā): hiến tặng bằng tiền của, gạo thóc, thuốc men khi người cần đến gọi là "Tài thí"; hiến tặng bằng sự giúp đỡ ý kiến, dạy dỗ và khuyên lơn gọi là "Pháp thí"; hiến tặng bằng sự trấn an, vỗ về và che chởngười cô thế gọi là "Vô uý thí". Sự hiến tặng đúng nghĩa phải phát xuất từ tấm lòng từ bi, hiến tặng không phân biệt đối tượng, không vì lời khen, tiếng chê, không mưu đồ trục lợi. Nếu không, việc hành thiện của mình trở nên vô nghĩa. Hiến tặng cho người dưới mình với ý nghĩa thi ân là hành động quá lối, với ý nghĩa người kia phải trả ơn là mưu đồ. Hiến tặng (cúng dường) Phật – Pháp - Tăng với ý nghĩa cầu tài, cầu phúc là vụ lợi. Hiến tặng cho người trên mình mong sự bao dung và che chở là hối lộ.
Trong 3 đức tính Bi, trí và dũng: "Từ tâm đối với tha nhân là Bi; luôn sáng suốt, nhận chân thực chất của cuộc đời là Trí; thể hiện tinh thần trượng nghĩa, giúp đỡ và che chở kẻ thế côlà Dũng". 3 đức tính này như kiền 3 chân, không thể tồn tại độc lập: "Bi không trí, bi mắc phải sai lầm; Bi không dũng, bi nhu nhược yếu đuối; trí không bi, trí điêu ngoa xảo quyệt; dũng không bi trí, dũng vũ phu tàn ác".
Hơn nữa, Dũng cũng chính là Nhẫn nhục Ba-la-mật (s:kṣāntipāramitā): khả năng chịu đựngmọi sự nhục nhã. Có thể nói "Nhẫn nhục" là một đạo lý lập nghiệp cho muôn đời.
Một hiệp khách như Hàn Tín phải luồn trôn giữa chợ đông chỉ vì nghiệp lớn chưa thành. Một quốc vương như Câu Tiển đã phải nằm gai nếm mật chỉ vì thù nước chưa trả. Một đương kim thái tử Tất Đạt Đa tương lai sẽ trở thành một vị hoàng đế uy danh, nhưng phải vào rừng sâu sống khổ hạnh chỉ vì tìm cho ra chân lý cứu khổ cho cuộc đời. Còn nhiều bậc hiền triết danh nhân khác,v.v... Những nghĩa cử nhẫn nhục thật vĩ đại!
Đức nhẫn nhục đã biến một kiếm sĩ cù bơ cù bất như Hàn Tín, và một ông vua yếu đuốinhư Câu Tiển trở thành những bậc kiêu hùng. Đức nhẫn nhục đã biến một thái tử Tất Đạt Đa vương giả thành một bậc Chí tôn muôn đời.
Tuy vậy, sự nhẫn nhục đó cũng có nhiều cấp độ và ý nghĩa khác nhau. Kẻ nhẫn nhục để rồi rửa hận, người nhẫn nhục để rồi thành danh. Không như vậy, nhẫn nhục trong Phật giáo, không cưu mang sự manh tâm phục thù, không vụ lợi tư kỷ cho cá nhân, mà nó hoàn bị cho người Phật tử có đầy đủ nghị lực đối mặt với mọi sự khó khăn từ vật chất cho đến tinh thần, sống vui vẻ giữa cảnh đời lao lung và nguy khốn để "Phụng đạo giúp đời".
Nhẫn nhục ba-la-mật là sức chịu đựng đến đỉnh cao độ trước mọi nghịch cảnh thử thách: "Không còn thấy cảnh thử thách, không còn thấy mình bị thử thách, và cũng không còn thấy khó khăn trong việc ra sức chịu đựng thử thách".
Trong cuộc sống xã hội đời thường, có những lúc người ta cắn răng gắng sức chịu đựngnhững cảnh trái ý nghịch lòng, như những cuộc xung đột trong gia đình, trong xã hội,v.v... nhưng đến lúc bức xúc không còn kềm chế nỗi, họ hành động những điều không thể tưởng tượng nỗi, làm tan nát mọi quan hệ tốt đẹp giữa mọi người mà trước đây họ đã dầy công vun vén (chặt củi ba năm đốt một giờ). Để tỉnh giác cho đời, Cổ đức dạy: "Chỉ cần một đóm lửa nhỏ sân hận cũng đủ thiêu rụi cả rừng công đức" (Nhất tinh chi hoả năng thiêu vạn nhận công đức chi sơn).
Ngoài ra, cái dũng, cái ý chí còn biểu thị cho tinh thần vượt khó, vượt qua được những yếu đuối của bản thân, mà Phật giáo cho rằng định mệnh chính là hệ quả của chính mình[23]. Hãy đối diện thực tại, đối diện giữa nội tâm với ngoại cảnh mà không đánh mất chính mình; nhất là những nhân vật trọng tâm lãnh tụ quốc gia, phải là những tinh hoa cho xã hội, chứ không phải các mầm hoạ cho cuộc đời. Ở điểm này Phật giáo gọi là chiến công hiển háchcủa chiến trường nội tâm:
Phật dạy:
"Chiến thắng vạn quân chưa phải là đại thắng
Tự chiến thắng lấy mình mới là chiến công oanh liệt"[24].
"Tinh tấn giữa phóng dật, tỉnh thức giữa hôn mê,
Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn"[25].
Cũng vậy, Khổng Tử dạy tinh thần nghĩa khí của người quân tử phải là: "Giàu có không sa đoạ, nghèo khổ không đổi lòng, uy vũ không khuất phục."[26]
Thế nên, hãy nhìn nhận và rà soát lại mình, như Binh pháp Tôn Tử đã từng cảnh báo: "Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng". Chủ quan, tự phụ và khinh địch là cái hố mà mình đã tạo sẵn để tự chôn. Đây chính là nhược điểm trong đạo lý làm người, để lại quá nhiều dấu hiệu và tì vết sai sót! Thật vậy, Phật pháp đã từng dạy: "hãy cảnh giác, chánh niệm; khi chưa thành tựu quả vị A-la-hán, chưa độ mê đoạn hoặc, thì chưa thể hoàn toàn tin vào chính mình. Phải đoạn trừ nội ngoại chướng, chiến thắng nội ngoại ma". Được vậy mới không mắc phải sai lầm đáng tiếc!
Đức Phật đã ca ngợi:
"Vị chiến thắng không bại,
Vị bước đi trên đời,
Không dấu tích chiến thắng,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi,
Bậc không để dấu vết"[27].
"Hành trạng của một A-la-hán, ra đi không để lại vết chân để ác ma truy sát"[28].
Thật vậy, rất nhiều chiến binh, anh hùng,... có thể đối đầu với hàng ngàn địch quân, có thể chiến thắng trên chiến trường lửa đạn, nhưng lại thất bại trên mặt trận lập nhân, cuối cùnglàm sụp đổ bao sự nghiệp, tan hoang bao chiến công. Sự thật này đã xảy ra quá nhiều trong cuộc sống xã hội đời thường! Nhiều người đã là chiến sĩ rất ngoan cường, anh dũnghiên ngang, không nằm xuống trên sa trường trong thời chiến, nhưng lại ngã gục trên thương trường trong thời bình. Thử thách giúp cho ta nung nấu ý chí, nhưng danh lợi làm cho ta băng hoại tâm hồn. Chúng ta có thể trực diện với kẻ thù ngoại cảnh dễ dàng đối phóhơn là trực diện với cái ác nội tâm; bởi vì, chiến trường bên ngoài còn có chiến tuyến giữa ta và địch, nhưng với mặt trận nội tâm thì khó phân định giới tuyến giữa thiện và ác! Từ đó cho biết mặt trận của nội tâm bao giờ cũng đầy cam go!
Còn nữa, tinh thần lý tưởng ý chí còn xuất hiện ở góc độ hoạn nạn tương trợ, sống chết có nhau trong tình huynh nghĩa đệ. Trọng nghĩa gắn với khinh tài. Nên người xưa đã từng cay đắng nhận rằng "nén bạc đâm toạc tờ giấy" hoặc chua chát "có tiền mua tiên cũng được" thì tác giả dân gian đã khẳng định:
"Tiền tài như phấn thổ,
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi"[29].
Phấn thổ (bụi đất) và thiên kim (ngàn vàng) trong bài ca dao mang ý nghĩa biểu trưng. Sự đối lập của hai hình ảnh này chính là sự đối lập giữa cái tầm thường và cái cao quí. Nếu chính nghĩa là bên trọng thì tiền tài là bên khinh.
Mặc khác, giáo dục ý chí của Phật pháp cũng hoàn bị cho các nguyên thủ quốc gia về nền đức trị; Dũng khí ngút ngàn nhưng không cường bạo, lạm quyền lạm sát; dù ngự trị trên điện cát ngai vàng nhưng không xách nhiễu nhân dân, mà vận dụng một nền chính trị công quyền thông thoáng đầy nhân ái, thu phục nhân tâm bằng Chánh pháp vô vi, hoá giải bao oan nghiệp ngang trái đầy chết chóc của chinh chiến binh đao. Được thế, thiêng liêng giang sơn gấm vóc sẽ trải dài như một bức hoạ đồ tuyệt bích, và hình thành nên một kỉ nguyên thái bình, mà qua bài thơ Vận nước (Quốc tộ) bất hủ của Pháp Thuận thiền sư đã nhắn nhủ:
"Vận nước như mây cuốn,
Trời Nam mở thái bình.
Vô vi trên điện các,
Chốn chốn dứt đao binh"[30].
Tuyệt vời, trên cả tuyệt vời! Để trả lời cho Vua về quan điểm chính trị an dân, Thiền sưPháp Thuận đã đưa ra phương pháp trị vì bằng vương đạo: Nếu vận nước mà chặt chẽ như: Vua chúa và thần dân một lòng, họp quần nhau như dây mây đan chéo, bậc Minh quân ngự trên điện cát mà vận dụng đức trị của Chánh pháp vô vi thì lo nạn đao binh không chấm dứt, và đất nước lo gì không an hưởng được thái bình. Cũng vậy, bài học này vẫn còn giá trị vượt không gian và thời gian, làm đạo lý muôn đời cho các nhà lãnh đạo quốc gia muốn thành công trên con đường trị quốc an dân.
Nói tóm, định hướng về lý tưởng ý chí chính là giáo dục con người sống có nghị lực, ngoan cường, có sức chịu đựng trước mọi phong ba bão táp của cuộc đời. Con đường đến điểm vinh vang của cuộc đời không phải là con đường được trải lụa, mà chính là con đường đầy chông gai trắc trở chính mình phải vượt qua. Như Nguyễn Công Trứ đã từng nói: "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai!" Vì vậy, giáo dục lý tưởng ý chí đối với mọi người, nhất là đối với người Phật tử trong suốt hành trình hướng tới đích an lạc và giải thoát càng phải được quan tâm đúng mức. Bởi vì, "nếu mười năm trồng cây và trăm năm trồng người, nhưng để trở thành một vị Phật cần phải trải qua 3 đại A-tăng-kỳ kiếp!"
Thật vậy, giáo dục lý tưởng ý chí qua tinh thần vô uý, Phật giáo dạy cho chúng ta biết hi sinh quên mình mà không thấy thiệt thòi. Thi ân mà không cần đền trả, không cầu báo đáp. Không phải đức Phật Bổn sư chúng ta nhờ vào vô lượng kiếp hi sinh phụng sự chúng sinhmà thực hành Bồ tát hạnh, chịu nhiều khổ nạn để cứu độ chúng sinh, nên ngày nay công thành quả mãn mà thành tựu Bồ đề đó sao! Thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề cũng chính là thành tựu đại hùng, đại lực, đại từ bi!
[1] Tinh thần vô uý (s:vaiśāradya/ abhaya; p:vesārajja), nói đủ Tứ vô uý (s:catvāri-vaiśāradyāni): j Chư pháp hiện đẳng giác vô uý (s:sarva-dharmābhisaṃbodhi-vaiśāradya), k Nhất thiết lậu tận trí vô uý (s:sarvāsrāva-kṣaya-jñāna-vaiśāradya), l Chướng pháp bất hư quyết định thọ kí vô uý (s:antarāyika-dharmānanyathātva-niścita-vyākaraṇa-vaiśāradya), m Vi chứng nhất thiết cụ túc xuất đạo như tánh vô uý (s:sarva-saṃpad-adhigamaaya nairyāṇika-pratipat-tathātva-vaiśāradya). (Tăng nhất A-hàm Q.19, 22, 25)
[2] "Khi thực hành thâm sâu vào trí tuệ Ba-la-mật, nhận chân được 5 uẩn đều không, liền vượt qua mọi khổ ách". (gambhīrāyāṁ prajñāpāramitāyāṁ caryāṁ caramāṇo vyavalokayati sma| pañca skandhāḥ, tāṁśca svabhāvaśūnyān paśyati sma||; 行深般若波羅蜜多時,照見五蘊皆空, 度一切苦厄。)
[3] Hát Cho Một Người Vừa Nằm Xuống, nhạc Trịnh Công Sơn
[4] Ba bậc hào kiệt lúc nhà Tống mất: Văn Thiên Tường, Lục Tú Phu và Trương Thế Kiệt
[5] 人生自古誰無死 , 留取丹心照汗青 (Bài thơ Quá linh đinh dương: Qua biển lênh đênh)
[6] Ngô Tùng Châu
[7] Chiếu xuất quân, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ
[8] Kinh Địa tạng Bồ tát bổn nguyện
[9] Kinh Bát đại nhân giác, điều giác ngộ thứ 8
[10] Thơ, di ngôn của Hòa thượng Thích Quảng Đức trước khi tự thiêu.
[11] Ngọn Lửa Quảng Đức, Thích Trí Quang
[12] Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang, Tập 3, Ch.38, Nhà XB Văn Học Hà Nội, 1994
[13] Kinh Pháp Hoa, Phẩm 23, Bồ Tát Dược Vương
[14] Các vị pháp thiêu thân vào kỳ Pháp nạn 1963: Bồ tát Thích Quảng Đức (11/6/1963), ĐĐ. Thích Nguyên Hương (4/8/1963), ĐĐ. Thích Thanh Tuệ (13/8/1963), NS. Thích N Diệu Quang (15/8/1963), HT. Thích Tiêu Diêu (16/8/1963), ĐĐ. Thích Quảng Hương (5/10/1963), ĐĐ. Thích Thiện Mỹ (27/10/1963); Các Phật tử: Quách Thị Trang, Nhất Chi Mai, Yến Phi,v.v...
[15] Kinh Hiền Ngu, Thích Trung Quán
[16] Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Giới thứ 16, Thích Trí Tịnh, Phật Học Viện Quốc Tế 1985, tr.28
[17] Lục ba-la-mật-đa (六 波 羅 蜜 多; s:ṣāḍpāramitā); Sáu hạnh Ba-la-mật-đa (độ) là: 1. Bố thí ba-la-mật-đa (s:dāna-pāramitā), 2. Trì giới ba-la-mật-đa (s:śīlapāramitā), 3. Nhẫn nhụcba-la-mật-đa (s:kṣāntipāramitā), 4. Tinh tấn ba-la-mật-đa (s:vīryapāramitā), 5. Thiền địnhba-la-mật-đa (s:dhyānapāramitā) và 6. Trí huệ ba-la-mật-đa (s:prajñā-pāramitā).
[18] Kinh Phạm Võng Lược Giảng, Thích Trí Tịnh, Van Hien Study Group USA, 2000
[19] Vô Sinh Pháp Nhẫn (s:Anutpattidharma-ksānti): nhận chân, các hiện tượng (các pháp)sinh khởi và hoại diệt. Mọi ý niệm đối đãi thiện ác không còn sinh khởi.
[20] Kinh Đại Bảo Tích, Pháp Hội Bồ Tát Tạng thứ 12, Thích Trí Tịnh, xb. Ban VH Thành Hội TP. HCM, 1999
[21] Khuyết danh (Dân gian)
[22] Hoa Nghiêm, Nhập pháp giới lược giải, Thi hoá, Từ Hoa
[23] "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa, là thai tạng và từ đó con người sinh ra" (Majjhima Nikāya III, No.135, Cūḷakammavibhaṅgasutta, I.B. Horner, 1959, P.249).
[24] Dhp.103
[25] Dhp.29
[26] Phú quí bất năng dâm, bần cùng bất năng di, uy vũ bất năng khuất. (Kinh Thi)
[27] Dhp.179
[28] Majjhima Nikāya I, No.25, Nivāpasutta, Namamoli, 1958
[29] Ca dao dân gian Nam bộ
[30] 國祚 (Quốc tộ): Một tựa khác (TVLT,I, P.204): "Đáp quốc vương tộ chi vấn" (答國王祚之問): Trả lời vua về vận nước. (Thiền uyển tập anh, Pháp Thuận thiền sư): 國祚如藤絡 ,南天裏太平 ,無為居殿閣 , 處處息刀兵