THIỀN LÂM PHẬT TÍCH

https://thienlamphattich.com


Vu Lan - Hiếu Đạo Tinh Thần Giáo Dục Nhân Bản Phật Giáo - Thích Nhật Hiếu

"Thân ta, cha mẹ sinh thành
Tuệ căn, Thầy bạn tác thành nên ta."
(Sanh ngã giả phụ mẫu,
Thành ngã giả Sư trưởng.)
Vu Lan - Hiếu Đạo Tinh Thần Giáo Dục Nhân Bản Phật Giáo - Thích Nhật Hiếu
  1. A. TỔNG QUAN:

Đạo Phật xuất hiện ở đời giáo hoá chúng sinh, cảm hoá nhân loại tức ác hành thiện, phát Bồ đề tâm, hànhBồ tát hạnh, hướng về nẻo giác. Một trong những đạo lý không thể thiếu ấy, đạo Phật dạy về lẽ hiếu nghĩa: tri ân & báo ân. Chừng mực nào đó, trọng tâm của Hiếu đạo là hướng về đấng song thân sinh thành dưỡng dục. Nhưng ở nghĩa rộng hơn, trong thế giới duyên sinh tương tác này, mọi chúng sinh đang hiện hữu, đềutồn tại trong mối hỗ tương duyên khởi trùng trùng. Nói cho dễ hiểu, ta đang ở trong vòng tay nâng đỡ và cưu mang của gia đình và xã hội. Do đó, đức Phật dạy ta phải biết tri ân (p:kataññū): hiếu thảo với cha mẹ, hiếu kính với người trên, hiếu hòa với kẻ dưới, hiếu thuận với mọi người, và hiếu sinh với mọi loài. Trong đó pháp lễ kính sáu phương[1] đã phản ảnh trọn vẹn tinh thần ấy. Nhìn chung, tinh thần hiếu đạo là đặc cách giáo dục nhân bản trong Phật giáo.

  1. B. NỘI DỤNG:
    1.  i. Định nghĩa:

Vu-lan nói cho đủ là Vu-lan-bồn hay Ô-lam-bà-na, là tiếng Trung Hoa dịch âm từ chữ Phạn Ullambana, dịch nghĩa là "giải đảo huyền” hay "giải đảo huyền, cứu thống khổ"[2]. Nghĩa là cởi bỏ mọi trói buộc, giải phóngkhỏi mọi tai ách, khổ luỵ cho các tội nhân và ngạ quỷ[3], các chúng sinh bị hành hình treo ngược, chịu mọi thống khổ cực độ dưới chốn u đồ và các nẻo ác.

  1.  ii. Xuất xứ:

Tinh thần hiếu đạo của Phật giáo được phát xuất từ gương hiếu hạnh cứu mẫu thân của tôn giả Mục-kiền-liên được chép lại trong Kinh Vu-lan-bồn. Kinh dạy rõ về: ân nghĩa song thân, phương pháp báo hiếu, và nhân quả tất yếu của hiếu đạo.

Từ đó, tinh thần hiếu đạo này đã đi vào lòng của mọi người con Phật và có tác dụng ảnh hưởng mạnh mẽ trong lòng xã hội. Vu lan là dịp chung cho mọi người nghĩ về và báo đáp ân nghĩa sinh thành; mở rộng hơn nữa là hướng lòng về và chia xẻ nỗi khổ đau chung của muôn loài chúng sinh.

"Chân như đạo Phật rất mầu,   Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ nhân;   Hiếu là độ được song thân,   Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài."

 iii. Lời Phật dạy về hiếu đạo qua nhiều kinh điển:

Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng Đạo Phật là Đạo hiếu. Đức Phật có rất nhiều lời dạy về hiếu đạo, đặt nặng đến hiếu hạnh và lợi ích của hiếu hạnh, làm thế nào để báo đáp hiếu hạnh có hiệu quả cao và công đức lớn. Các kinh điển Phật giáo dạy về hiếu hạnh có thể liệt kê sơ bộ sau đây:

* Kinh Ma-ha-ma-da (Mahāmaya-sūtra, Đ.12, No.383, tr.1005), phút cuối trước khi nhập Niết-bàn, vì muốn lợi lạc cho thân mẫu, đức Phật đã thuyết pháp.

* Luật tạng, Ngũ phần luật, Đ.22, tr.140c, đức Phật dạy cho các Tỳ kheo về công ơn như trời bể của cha mẹ, và cho phép các Tỳ kheo được phụng dưỡng cha mẹ già cả neo đơn, nếu ai không cúng dườngphụng dưỡng cha mẹ thì phạm trọng tội.

* Kinh Vu-lan-bồn nêu gương hiếu hạnh của đức Mục-kiền-liên cứu thoát mẹ ra khỏi cảnh giới u minh, nhờ vào đạo đức tập thể của các bậc cao tăng và A-la-hán.

* Kinh Báo Ân Cha Mẹ dạy rõ về công lao sinh thành, nuôi dưỡng khó khăn của cha mẹ, và theo đó dạy cách báo đáp công ơn cao cả ấy.

* Kinh Thai Cốt và Kinh Huyết Bồn cũng có nội dung tương tự như hai kinh trên nhưng đặc biệt nhấn mạnhcông đức của cha mẹ.

* Kinh Hiếu Tử dạy về các phương thức báo hiếu.

* Kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán, với phẩm thứ hai - phẩm báo ân, dạy cách đền ơn cha mẹ của người xuất gia và người tại gia.

* Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, có đến 2 phẩm nói về gương hiếu hạnh của chư Phật và chư Bồ-tát trong các đời sống quá khứ.

* Kinh Địa Tạng kể về hiếu hạnh của Bồ-tát Địa Tạng, và thông qua đó hướng dẫn cách đền ơn cha mẹ ở hiện đời cũng như các đời sống quá khứ.

* Sám Pháp Mục-kiền-liên dạy về cách sám hối và hướng dẫn cha mẹ về chánh pháp của đức Phật.

* Kinh Thiện Sinh (Hán) hay Giáo thọ Thi-ca-la-việt (p:Singālaka) dạy về đời sống và các mối quan hệ đạo đức của xã hội, trong đó có đề cập đến 5 nguyên tắc đạo đức của các bậc cha mẹ đối với con cái và 5 nguyên tắc đạo đức của con cái đối với cha mẹ.

* Kinh Pháp Hoa Phẩm thứ 27, dạy về báo hiếu bằng đem lại chánh kiến, pháp lạc lâu dài cho mẹ cha bằng con đường thâm tín Chánh pháp.

* Kinh Chánh pháp niệm xứ, dạy về 4 ân: ân mẹ, ân cha, ân Như lai và ân pháp sư giảng pháp.

Ngoài ra, còn nhiều lời dạy về hiếu hạnh có mặt trong nhiều kinh thuộc Pāli tạng và Hán tạng. Có thể nói, chữ hiếu có mặt trong rất nhiều kinh điển Phật giáo, đến nỗi người ta phát biểu: “Thiên kinh vạn điển, hiếu vi đệ nhất”. Theo tinh thần Phật dạy, hiếu đạo là nền tảng của nhân thừa, là cơ sở cho muôn hạnh lành khác phát sinh, là chặng đường quan trọng trên lộ trình hướng đến đích giải thoát. Để quán triệt tinh thần hiếu đạo ấy, chúng ta lần lượt khảo sát qua các điểm trọng yếu như sau:

  1.  iv. Vu-lan bồn giáo dục ý thức về ân nghĩa[4]:

Trong thế giới duyên sinh vô ngã, Phật dạy con người là một tập hợp của nhiều nhân tố. Cái ấm thân này chính là do cha mẹ chúng ta sinh thành nên, nhưng muốn cho tấm thân này được trưởng thành mọi mặt trong cuộc sống hiện thực này còn phải nhận lấy nhiều mối quan hệ ân nghĩa tất yếu khác. Như vậy, Vu-lan gợi cho chúng ta nghĩ nhớ về ân cha nghĩa mẹ sinh thành dưỡng dục; ngoài ra, còn cho chúng ta biết cần phải tri ân và báo ân các ân nghĩa khác như: ân quốc gia xã hội, ân sư trưởng huấn dục, ân Tam bảo,v.v…

  1. i. Về ân nghĩa sinh thành:

Ở đời, ai lại không có cha, người nào lại không có mẹ. Nhưng nên biết, để cho bản thân ta nên vóc nên hình, cha mẹ đã phải trải qua bao đắng cay cơ cực. Điều này đã được đức Phật minh chứng tận tường Kinh báo đáp công ơn cha mẹ:

1. Chín tháng cưu mang khổ nhọc

2. Khi sinh đau đớn, nguy hiểm

3. Nuôi con không màng cực khổ

4. Nuốt đắng, mớm ngọt

5. Nhường khô, nằm ướt

6. Sú nước, nhai cơm

7. Giặt đồ dơ, tắm rửa cho con

8. Lo lắng khi con đi xa

9. Có thể tạo tội vì con

10. Không ham trao chuốt.

Thật vậy, với ân cha nghĩa mẹ, văn thơ nào có thể kể cho xiết, bút mực nào có thể viết cho xuể, núi biển nào có thể sánh cho bằng ân nghĩa sinh thành của cha mẹ. Cuộc đời vất vả của cha và nhọc nhằn của mẹ được đánh dấu bằng những vết hằn năm tháng in đậm trên gương mặt của cha già và mẹ yêu. Tất cả đều “để” và “cho” cháu con. Ân nghĩa ấy được phát xuất từ tấm lòng thương yêu vô điều kiện, vô bờ bến của cha mẹ đối với cháu con.

“Ân cha hơn núi lớn, Nghĩa mẹ hơn đất dày; Hy sinh lòng chẳng quản, Mà vẫn không nguôi ngoai. Mẹ già hơn trăm tuổi, Vẫn thương con tám mươi, Tình thương nào ngơi nghỉ, Đến hơi thở cuối đời!” [5]

Kinh điển trong Phật pháp cũng như thi ca ngoài xã hội, không ngớt lời ca ngợi công ơn cao cả như trời biển này. Tất cả đều muốn nói lên đạo lý uống nước nhớ nguồn, gieo ý thức cho tất cả mọi người khắc ghi đạo lý thâm trầm này. Hãy ý thức và hành động sao cho phù hợp với lẽ chân thường.

a. Gương hiếu hạnh đối với song thân xưa nay trong Phật giáo:

Trong Phật pháp xưa cũng như nay có biết bao nhiêu gương hiếu hạnh đối với đấng sinh thành, tiêu biểunhư: Tôn giả Mục-kiền-liên sau khi chứng quả A-la-hán liền nghĩ đến việc cứu độ mẫu thân Thanh Đề thoát khỏi chốn u đồ (kinh Vu-lan-bồn). Nàng Mục Nữ cứu mẹ Diệt-đế-lợi thoát khỏi cảnh địa ngục (kinh Địa tạng). Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn, sau khi tu tập hạnh Bồ-tát, thành tựu sáu Ba-la-mật, phát triển bốn tâm Vô thượng, có thể vận dụng thần thông trong các trường hợp cần thiết, nhị vị Thái tử này nghĩ ngay đến việc giáo hóa Phụ vương là Diệu Trang Nghiêm đang lầm lạc vào con đường tà kiến hướng về Phật pháp, chứng đắc Thánh quả (kinh Pháp Hoa, Phẩm thứ 27),v.v…

Vậy, bất luận là đời hay đạo, bần cùng hay vương giả,… đều có cách thể hiện khác nhau, nhưng tuyệt nhiên đều bắt đầu bằng việc tri ân và nhớ ân qua tấm lòng thương yêu và kính mến thật sự của mình đối với đấng sinh thành.

b. Phương pháp hiếu hạnh theo Phật pháp:

Kinh Phân Biệt (Bắc tạng) ghi: "Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu thảo với mẹ cha.”

Kinh Nhẫn Nhục ghi: "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác tối cao là bất hiếu".

Kinh Tăng nhất A-hàm, Đ.ii, 601, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa nghìn dậm, cung phụng mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹcó tiểu tiện trên vai mình đi chăng nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các thầy phải hiểu rằng, ân cha mẹnặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân đó khó trả. Này các Tỳ kheo, có hai việc làm cho phàm phu có công đức lớn, được quả báo lớn, đó là phụng sự cha và mẹ.”

Kinh Hạnh Phúc (Nam tạng) ghi: "Phụng dưỡng mẹ và cha là vận may tối thượng".

Ngoài việc thực hiện trọn vẹn những tiêu chí hiếu nghĩa mà đạo nhân luân qui định, Phật pháp còn dạychúng ta về những nguyên lý ưu việt trong việc thực hiện hiếu đạo cao cả, trọn vẹn và bền vững hơn: giúp mẹ cha hướng đến chánh pháp, để vượt qua mọi ưu não khổ đau.

Tăng Chi I, tr.75, Phật dạy: "Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹkhông có lòng tin Tam Bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam Bảo, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến, cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và đáp ơn đủ cho mẹ và cha".

Như vậy, chúng ta nhận thấy, Phật giáo không những dạy về hiếu đạo bằng hiếu kính và hiếu dưỡng đối với mẹ cha, mà còn dạy bổn phận làm con phải biết chăm lo đời sống tinh thần của cha mẹ, phải có trách nhiệm đạo đức đối với các đấng sanh thành ra mình, nuôi nấng mình trưởng thành và trở nên hữu dụng cho bản thân và xã hội. Sự hiếu thảo của người con như vậy được trình bày qua 5 trách nhiệm đạo đứcthiết thực mà đức Phật đã dạy trong kinh Thiện sinh:

 Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần:

Kinh nghiệm sống là một trong những tri thức văn hóa đặc trưng của con người; thế nên, lời khuyên của các bậc cha mẹ được phát xuất từ kho tàng tri thức văn hóa xuyên qua kinh nghiệm sống của chính bản thân. Hơn nữa, lời khuyên ấy còn được phát xuất từ tấm lòng chân tình thương yêu bảo bọc. Làm con, chúng ta không thể không nghe lời cha mẹ. Do đó, yếu tố vâng lời cha mẹ được đặt thành vấn đề đầu tiên trong nguyên tắc hiếu đạo.

Trên thực tế ngày nay, chúng ta nhận thấy đạo lý này thật sự bị lung lây khi văn hóa vật chất trên đà phát triển như vũ bão, nhưng ngược lại văn hóa tinh thần lại không sao đuổi kịp. Thế hệ càng về sau tri thứchọc vấn càng cao hơn, nhưng ý thức đạo đức càng sa sút; trên đà trược dài theo lối hưởng thụ vật chất, ít khi nào quan tâm đến lời khuyên bảo của mẹ cha. Không những đạo lý về nhân tâm đầy tình người này không được quan tâm, mà còn bị cho là những ý tưởng cổ hữu, không hợp với thị hiếu đổi mới và cơ chế thị trường đấu tranh phát triển. Những ý tưởng thác loạn này đã nhận chìm bao kẻ cuồng si trong vũng bùn tệ đoan tệ nạn xã hội. Những ý tưởng trả treo như vậy thường đi đôi với thái độ vô trách nhiệm đối với mẹ cha. Cho dù cha mẹ có nuôi con bằng cả tâm huyết, vắt cả hơi tàn cuộc sống chính mình cũng không ai nghĩ đến một mai này con mình nuôi lại mình, nhưng phận làm con phải nghĩ đến cha mẹ. Đây chính là đạo lý làm người có từ ngàn xưa. Nên biết, tình cảm phụ tử và mẫu tử là một thứ tình cảm thiêng liêng, là mảnh đất mầu mở nuôi lớn tình người, tình đồng loại và tình chúng sinh. Nếu thiếu vắng thứ tình cảm này, thì không thể có một thứ tình cảm cao cả nào khác có thể tồn tại. Có viễn cảnh nào đau buồn hơn, cha mẹsống cả đời vất vả lao đao phục vụ con cái, khi già yếu phải sống cảnh neo đơn cơ quạnh, con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Không một luân thường đạo lý nào ở đời có thể chấp nhận.

Như vậy, với yếu tố tiên quyết này, Phật dạy, là một người con hiếu thảo phải thỏa đáng 2 tiêu chí: ngoan ngoãn vâng lời và chăm lo giúp đỡ cho cha mẹ bằng việc phụng dưỡng những nhu cầu cần thiết khi cha mẹ cần đến trong lúc đau ốm già yếu như tiền bạc, ăn mặc, thuốc men,…

 Làm tròn bổn phận đối với cha mẹ:

tinhthangiaoduc-02

Đạo Phật không phải là một tôn giáo xa rời hiện thực. Đức Phật dạy, cuộc sống lành mạnh trong sáng phải là một cuộc sống “trung đạo”, thăng bằng ổn định giữa đời sống vật chất và tinh thần. Sự hiếu thảocủa người con được thể hiện bằng tấm lòng chân tình cả hình thức lẫn thực chấttrong việc thể hiện của mình đối với đấng sinh thành. Đó là tâm thành của “hiếu kính”, phụng sự của “hiếu dưỡng”, và ý thức của “hiếu nghĩa”, chứ không vọng lý hư đàm. Đây chính là bổn phận tất yếu mà mọi người con phải khắc ghi tận tâm cang.

Bổn phận tiên quyết của người con được xác lập trên nền tảng của “hiếu kính”: Cho dù cha mẹ già yếu, vẫn không bao giờ có tâm niệm xem như một gánh nặng mà hết lòng kính trọng thương yêu, nhận thức cha mẹ còn sống là nguồn hạnh phúc vô biên đối với cháu con; luôn ý thức, cha mẹ không thể mãi sống đời với ta. Hình ảnh đẹp của người con chí hiếu luôn khát khao được ở bên cạnh mẹ cha, tâm nguyện mong muốn mẹ cha luôn mãi sống bên mình.

“Đêm đêm ra thắp đèn trời,  Cầu cho cha mẹ sống đời với con.” (Ca dao)

Không có nỗi bất hạnh nào hơn khi mồ côi cha mẹ. Cha mẹ ta biến ta từ không thành có, từ có nên thành người. Làm sao có thể quên ân nghĩa thâm trầm này. Luôn nghĩ về cha mẹ quá vãng là đạo lý uống nước nhờ nguồn. Cha mẹ mất đi nhưng vẫn còn tồn tại trong hơi thở và dòng máu trong mỗi cháu con.

 “Cha già là Phật Thích Ca Mẹ già như thể Phật bà Quan Âm; Nhớ ngày xá tội vong nhân, Lên chùa lạy Phật đền ân sinh thành.” (Ca dao)

Bổn phận “hiếu dưỡng” được thể hiện bằng cả tấm lòng, chăm lo đời sống tinh thần bằng sớm hôm thăm viếng, vấn an vỗ về cha mẹ trong lúc bệnh đau cũng như khi già yếu; chăm lo đời sống vật chất cho cha mẹ bằng tiền bạc, ăn mặc, thuốc men,… khi cha mẹ già cả đau yếu. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù nghèo cùng bi đát nhất, người ta cũng vẫn có thể thể hiện hiếu tình của mình một cách trọn vẹn.

 “Mẹ già ở túp lều tranh, Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con”  “Đói lòng ăn đọt chà là, Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”. (Ca dao)

Ở mặt “hiếu nghĩa”, người con hiếu thảo phải là người con biết ăn ở ứng xử cho phải đạo, không vì nuôi cha mẹ mà phương hại đến đạo đức luân thường, làm nhiều điều tội ác để chu cấp tài sản cho cha mẹ. Đạo Phật không chấp nhận sự hiếu thảo phi pháp này. Một trong những điều hiếu đạo cao cả nhất cần phảilưu tâm, giúp cho cha mẹ tránh xa con đường ác nghiệp, là giúp cho cha mẹ có cuộc sống hiền lương và thánh thiện bằng qui hướng Tam bảo và tác phước hành thiện, để rồi gặt hái hạnh phúc và an lạc trong hiện tại và mãi mãi về sau.

"Nếu chỉ việc trả hiếu cho cha mẹ bằng cách phụng dưỡng của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ. Mà nếu cha mẹ không có lòng tin Tam Bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam Bảo, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến. Được như vậy là làm đủ và đáp ơn đủ cho mẹ và cha."[6]

Mặt khác, bổn phận người con hiếu thảo còn được thể hiện trên bình diện rộng hơn như: xây dựng sự nghiệp tri thức và đạo đức cho bản thân, chăm lo gầy dựng gia thất, v.v… Nhìn chung, thực hiện tất cả những gì mà cha mẹ kỳ vọng nơi ta, muốn ta trưởng thành trên mọi phương diện, và chúng ta muốn thực hiện những hoài bảo này của cha mẹ một cách hoàn thiện thì phải dựa vào tiêu chí đúng chánh pháp và phù hợp đạo lý xã hội.

ƒ Giữ gìn danh dự và truyền thống của gia đình:

tinhthangiaoduc-03

Truyền thống gia đình được xem như hạt nhân xây dựng tính giá trị và vững bền cho quốc gia xã hội, và nói rộng hơn là yếu tố tác thành văn minh nhân loại. Vì vậy, việc bảo vệ truyền thống mà các bậc tiền bốivà tổ tiên đã dầy công tạo dựng được đặt ra trong vấn đề hiếu đạo.

Truyền thống ấy là những gì mà các bậc ông bà tổ tiên, các bậc tiền nhân đã dầy công vun đắp, cho gia phong được hưng vượng, cho dân tộc được vẻ vang, cho đất nước được phú cường. Truyền thốngấy được xây dựng bằng chính mỗi gia tộc khép kín trong dòng huyết thống, là những nguyên tắc đạo lýgia phong được thỏa thuận, hình thành và chuyển giao qua nhiều thế hệ, như đoàn kết hòa mục, tương thân tương trợ, tác nghiệp gia truyền, tri thức gia tộc, luật tắc gia phong,v.v… Nói chung là nếp sống truyền thống tốt đẹp với tinh thần ý thức cộng đồng.

Phật dạy: “Hội họp trong niệm đoàn kết, chia tay trong niệm đoàn kết, làm việc trong niệm đoàn kết;… biết tôn trọng, bảo vệ và làm vẻ vang tôn miếu của dòng tộc mình.”[7]

Bảo vệ truyền thống ở đây chính là bảo lưu những gì tốt đẹp được truyền thừa qua nhiều thế hệ, quá trình phát triển tốt đẹp của gia tộc, làng xóm, cộng đồng, sắc tộc, quốc gia,v.v… Cần phải hiểu một cách thấu đáo rằng, đạo Phật là một tôn giáo đề cao trí tuệ, tư duy và thẩm định; mọi ý thức và hành động đều được xác quyết xuyên qua tiêu chí của trạch pháp, của gạn đục khơi trong. Đạo Phật không khuyến khích và phục tùng các truyền thống lạc hậu và phản đạo đức, đi ngược lại con đường phát triển đời sống tâm linh, không tin một cách mù quáng vào những truyền thống hủ bại như chế độ thế tập "cha truyền con nối", "con vua thì lại làm vua, con sải ở chùa thì quét lá đa". Điều này đã được minh chứng rõ trong dòng sử Việt: Lý Công Uẩn, con Sải lại ra làm vua; Trần Nhân Tông,… con Vua lại đến chùa mà quét lá đa. Các bậc Minh vương này cởi cẩm bào ra làm Sải hay cởi Ca-sa ra làm Vua đều mang sứ mạng an dân tế thế, hoàn toàn không phải vì “thất thế” hay “quyền thế” mà phải thay đổi thân phận.

Niềm tin chân chánh phải là niềm tin có chánh kiến “chớ vội tin vào điều gì cho dù điều đó thuộc về tập quán hay truyền thống,… mà hãy tin vào điều gì mang lại lợi lạc lâu dài cho chính mình và tha nhân."[8] Với thế giới nhị nguyên lợi bất cập hại này, mọi vấn đề đều có thể tồn tại 2 mặt tích cực và tiêu cực, tiến hóa và lạc hậu; cũng vậy, truyền thống nào cũng có cái tốt và cái xấu kèm theo. Qua nhãn quan trí tuệ, Đạo Phậtdạy việc bảo lưu truyền thống tốt đẹp của tổ tiên là một hình thức vinh danh gia tộc dòng họ theo chiều hướng có chọn lọc và đặt chúng trong tiêu chí của các giá trị phát triển đạo đức và đạo lý con người hơn là chỉ đơn thuần về phương diện vật chất.

 Bảo vệ tài sản thừa tự từ cha mẹ & tổ tiên:

Bảo vệ gia sản kế thừa từ ông bà cha mẹ, những thành quả cơ nghiệp mà tổ tiên đã dầy công vun đắpcũng được xem là một hình thức báo hiếu. Vì thành quả này được hình thành bằng bao nhiêu tâm huyết của các tiền nhân. Không thể một chốc lát mà bao nhiêu cơ đồ ấy tiêu tan thành mây khói trong bàn tay của “tán gia chi tử” của chúng ta.

Mặc dù với nhãn quan trí tuệ siêu xuất thế gian, nhưng đức Phật cũng quan tâm đến đời sống luân lý xã hội. Ngài quan tâm đến vấn đề giáo dục con người toàn diện: con người cá nhân và con người xã hội. con người xã hội là con người được truyền thừa, được chuyển giao giữa các thế hệ. Ngài dạy, "bảo vệ tài sảnthừa tự” là nguyên tắc duy trì tính vững bền của truyền thống gia tộc. Tài sản thừa tự này phải được hiểu là những gì mà con cái kế thừa nơi tổ tiên dòng họ về những di sản từ vật chất cho đến phi vật chất, như gia tài tiền của phải được kế thừa, gìn giữ và phát triển hợp pháp; như tri thức và đạo đức gia phong phải được gìn giữ và phát huy. Nghĩa là sinh thời cha mẹ chí thú làm ăn, thì con cái không được ăn chơi lêu lổng; cha mẹ là tầng lớp tri thức, thì con cái phải siêng năng học hành; cha mẹ tác phước hành thiện và qui kính Tam bảo, thì con cái không nên làm việc ác và phỉ báng Tam bảo. Không những kế thừa những di sảncao quí ấy, mà còn phát huy một cách tốt hơn. Vì kế thừa thường đi đôi với phát triển, nên càng về sau càng hoàn thiện, trên tiêu chí “con hơn cha là nhà có phước”.

 Chu toàn tang lễ của cha mẹ đúng pháp:

Quan niệm chết ra ma ra cỏ, chết ra cát bụi là một quan niệm đầy sai lầm trên phương diện đạo đức nhân bản, là động cơ đưa đến băng hoại và thất tán nhân tâm; hơn nữa cũng thiếu sự soi sáng của nhãn quan khoa học. Chết chẳng qua cũng chỉ là sự vận động của thế giới vật chất, là sự chuyển tiếp từ sự sống này qua sự sống khác, một chặng đường đổi thay của dòng sống vô tận. Chính vì vậy mà khi cha mẹ qua đời, việc chu toàn tang lễ cho cha mẹ đúng pháp là một vấn đề tối yếu cần đặt ra trong bổn phận làm con.

Ở đây, việc chu toàn tang lễ trong tinh thần báo hiếu khi cha mẹ qua đời đơn giản nhưng chân thành và trang trọng; không cầu kỳ lễ nghi như cúng tế, ếm đối, ăn uống, ca hát, đốt vàng bạc,v.v… chỉ oán kết thêm ác nghiệp mà thôi. Con cái nên nén sự đau thương, khóc lóc, than vãn; nên niệm Phật, tụng niệm để siêu độ cho người quá cố, xả bỏ nghiệp duyên và chấm dứt luyến ái mà nhẹ nhàng siêu thoát. Trong thời giancư tang, con cháu nên tu tạo các phước điền như phóng sanh, bố thí, cúng dường,… làm hành trang thiện nghiệp để cha mẹ thác sinh vào các cảnh giới an lành.

  1. ii. Về ân nghĩa quốc gia, xã hội:

Nên biết, hồn thiêng đất Việt ngàn đời khắc ghi, với truyền thống Âu việt con cháu Lạc hồng, bốn ngàn năm văn hiến, bất khuất trước bao thế lực cừu địch, nhưng cũng rất hòa hiếu với các dân tộc quốc gia láng giềng. Điều ấy đã được minh chứng bằng lịch sử oai hùng trong suốt các thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm. Tinh thần bất khuất và hòa hiếu ấy chính được un đúc, nuôi dưỡng và khai phóng từ tinh thần vô ngãvà vị tha của đạo Phật ngay trong buổi đầu lập quốc. Mái chùa, cửa Phật luôn là nơi cưu mang và san sẻ với dân tộc trải qua các cuộc thăng trầm trong các cuộc chiến tranh bảo vệ và xây dựng đất nước từ các triều đại xưa cho đến thời hiện đại.

“Trang sử Phật cũng là trang sử Việt;  Trải bao độ hưng suy, có nguy nhưng chẳng mất.” (Hồ Dzếnh) "Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ tông” (Huyền Không)

Ý thức và hành động này luôn khắc ghi vào tâm khảm của mọi Phật giáo đồ tại gia cũng như xuất gia. Điều này đã được minh chứng rõ trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, mà tiêu biểu nhất là câu nói của HT. Thích Trí Thủ, một bậc danh Tăng Việt Nam trong thời hiện đại:

“Những gì tôi cống hiến cho Phật pháp cũng chính là cống hiến cho dân tộc, và những gì tôi đã cống hiếncho dân tộc cũng chính là cống hiến cho Phật pháp”.

Gia tài cuộc sống nhân thế với đời cũng như đạo mà chúng ta đang thụ hưởng đây, chính là xương máu của biết bao thánh tử đạo, anh hùng nghĩa sĩ,… đã nằm xuống, cho đời thêm hoa thơm của bình yên và trái ngọt của hạnh phúc. Có người nằm xuống, đời không ngớt lời tôn vinh; nhưng cũng có không biết bao nhiêu anh linh vô danh ngã xuống, không một điếu văn hay một lời truy điệu,… nhưng tất cả nằm xuống với một ý nghĩa cao cả, vì nâng cao ngọn đuốc thiêng chánh pháp, vì sự nghiệp trường tồn của dân tộc, vì sự tồn vong của tổ quốc. Và ngay trong giờ phút bình an mà chúng ta yên tâm sinh sống cũng như tu tập đây, biết bao chiến sĩ phải vật lộn với bao hiểm nguy ngoài biên ải xa xăm của tổ quốc.

Còn nữa, về các mối quan hệ hỗ tương xã hội trong cuộc sống duyên sinh trùng trùng này, ta ăn cơm nhờ có nông dân cày cấy, ta bệnh đau nhờ thầy thuốc điều trị, ta đi đây đó nhờ tài xế đưa đón,v.v… Tất cả đều là ân nghĩa quan hệ chằng chịt xã hội. Với nhãn quan trí tuệ, Đạo Phật còn nhìn xa hơn là ân nghĩa chúng sinh: con trâu kéo cày, con ngựa kéo xe, con chim ca hót,… Tất cả đều là sự đóng góp để hình thành nên cuộc sống đầy sinh động này. Nói cách khác, ta phải biết nhớ ơn và trân trọng đời, vì đời cho ta một cuộc sống. Nếu mọi người trong xã hội đều biết đạo lý này, thì không những biết trân trọng giữ gìn mà còn xây dựng xã hội, tạo dựng cuộc đời tươi đẹp hơn bằng khả năng những gì mà trong tầm tay có thể. Thái độ vô ý thức với cuộc sống đáng yêu này chính là động cơ đưa đến lũng đoạn xã hội, huỷ diệt môi trường và tiêu vong cuộc sống; điều đó cũng có nghĩa, con người tự huỷ diệt chính mình trong từng phút từng giây.

iii. Về ân nghĩa sư trưởng:

Ít nhiều gì trong đời, ai trong chúng ta cũng có một lần thọ giáo nơi các bậc thầy: học văn hóa, học nghềnghiệp, v.v… Cho dù là người ở ngoài đời hay người trong đạo, ân Sư trưởng là một đạo lý không thể thiếu. Vai trò của vị Thầy quan trọng đến đổi người đời ví von: “Không Thầy đố mày làm nên”. Hơn nữa, với Phật pháp vai trò của vị Thầy quan trọng biết dường nào trong sự nghiệp tác thành giới thân và tuệ mạng cũng như cứu vớt tâm linh cho chúng ta trong bước khởi đầu cũng như điểm đến đích trên đạo lộ giác ngộ giải thoát. Ân nghĩa thâm trầm ấy quả thật như bể cả và trời cao.

"Thân ta, cha mẹ sinh thành Tuệ căn, Thầy bạn tác thành nên ta." (Sanh ngã giả phụ mẫu, Thành ngã giả Sư trưởng.)

Bởi vì, cha mẹ cưu mang và nuôi dưỡng ta, nhưng nếu không có các bậc Sư trưởng, thiện hữu trí thức thìchúng ta không thể thành nhân: “Cha mẹ tuy có thể sanh dưỡng ta, nhưng nếu không có Sư trưởng thế gian thì không biết lễ nghĩa; nếu không có Sư trưởng xuất thế gian thì không hiểu Phật pháp. Không biết lễ nghĩa thì khác chi cầm thú, không hiểu Phật pháp thì khác nào thế gian.”[9]

Vâng, trời cao khó với, bể sâu khó lường; cũng vậy, ân đức của Sư trưởng đối với chúng ta khó mà đền đáp. Mỗi mùa Hiếu hạnh trở về, là một dịp thiêng liêng để chúng ta nghĩ nhớ và tỏ lòng tôn kính đối với các bậc Thầy thế gian cũng như xuất thế gian, và cũng để khuyên nhắc chúng ta luôn hướng đến mục tiêuhoàn thiện đời sống của bản thân, mà tinh thần “tôn sư trọng đạo” luôn là kim chỉ nam soi đường ta đi.

iv.  Về thâm ân Tam bảo:

Cuộc đời là một dòng chảy xiết, bao sự sống đang dập dìu trôi nổi trên dòng cuồng lưu dục vọng ấy. Nói cách khác, đời là bể khổ; vì bản thân của cuộc đời được hình thành từ sanh - lão - bệnh - tử - sầu bi khổ ưu não. Thế nên, khi ngẫm về sự đời, cổ nhân đã phải than rằng:

“Bể khổ mênh mông sóng ngập trời, Khách trần chèo một chiếc thuyền trôi Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,  Xét lại cùng trong bể khổ thôi.”

Thật vậy, con người luôn muốn vùng vẫy khỏi các nỗi khổ hiện sinh này, nhưng kết cục đành bất lực. Trong khi đó Tam bảo xuất hiện như ngọn đuốc thiêng soi sáng cho đời, như chiếc thuyền từ đưa người qua bể khổ. Nhờ Tam bảo mà chúng ta hiểu được chánh pháp, biết được đạo lý “thế” cũng như “xuất thế”, nhận chân được thực chất của cuộc đời là “khổ, nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ”. Nếu khônghiểu giáo pháp này cũng có nghĩa là dòng luân hồi khổ đau vẫn sẽ tiếp diễn và sinh tử vẫn sẽ trải dài bất tận trong vô ngôn.

“Đêm dài kẻ thức trọn canh, Đường dài với khách bộ hành mỏi chân Luân hồi dài với kẻ ngu nhân;  Không thông diệu pháp muôn phần cách xa.” [10]

Ân chư Phật ra đời cứu khổ độ sinh, ân Giáo pháp đưa đến con đường giác ngộ giải thoát, ân chúng Tăngthay Phật hoằng dương chánh pháp. Chính vì vậy, là Phật tử dù tại gia hay xuất gia không thể quên thâm ân này. Vai trò Tam bảo quan trọng đối với cuộc đời như vậy, nên cổ nhân có lời cảm thán:

“Lênh đênh trường dạ đêm dài, Này ngôi Tam bảo là đài quang minh; Ngập trời bể khổ linh đinh, Này ngôi Tam bảo sinh linh thuyền từ.”
  1. C. KẾT LUẬN:
  2.  i. Vu-lan báo hiếu xây dựng tiêu chí ý thức & hành động:
  3. 1. Giáo dục ý thức về ‘nhân quả thiện ác’:

Truyền thống giáo lý Nam truyền và Bắc truyền đều xếp tội ác giết cha, giết mẹ vào năm tội lớn, được gọi là “ngũ đại trọng tội” hay “ngũ nghịch tội”[11], hiện đời phải chịu pháp luật đại hình, một hậu phải chuốc lấy khổ đau vô tận dưới chốn u đồ. Ngược lại, phụng thờ cha mẹ được xem là “đại phước điền”, sống được đời tán dương, đời sau hưởng phúc lạc vô cùng trong thế giới nhân thiên. Thật vậy, hiếu thuận hoặc bất hiếu đều có kết cuộc tương xứng.

"Nếu mình hiếu với mẹ cha, Mai sau con hiếu với ta khác gì. Nếu mình ăn ở vô nghì, Đừng mong con hiếu làm gì uổng công. Kìa xem giọt nước xuôi dòng, Giọt sau, giọt trước cũng đồng một nơi". (Hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử, Ngỗ nghịch hoàn sinh ngỗ nghịch nhi. Bất tín đả khán thiềm đầu thủy, Điểm điểm trích trích bất sai di.)

Có biết chăng hành động ứng xử xã hội chính là tập quán nghiệp, là khế ước dắt dây của nhân quả, gieo thiện nhân thì gặt thiện quả. Tốt với người, người tốt với mình. Nếu mình hiếu để với mẹ cha thì con cũng hiếu với ta khác gì; và ngược lại. Mỗi mùa Vu-lan trở về là mỗi lần gợi nhắc lại bổn phận của mọi người con phải nhớ lại và hướng đến đấng sinh thành đang còn hoặc đã mất của mình, phải sống sao cho phải lẽ hiếu đạo của phận làm con.

  1. 2. Giáo dục ý thức giá trị đạo đức, lòng nhân ái đối với kẻ còn, người mất và muôn loài trong mối tương giao cuộc sống:

Tinh thần Vu-lan báo hiếu là một giá trị đạo đức, giáo dục lòng nhân ái đối với kẻ còn lẫn người mất trong mối tương giao xã hội. Hiếu đạo không dành cho riêng ai, mà là của tất cả mọi người, mọi người con đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Ở bình diện rộng hơn, Vu-lan còn mang ý nghĩa tri ân và báo ân với các mối quan hệ ân nghĩa khác trong “tứ đại trọng ân” như trên đã trình bày. Hơn nữa, Vu-lan còn là thông điệp hướng đến mọi chúng sanh đang bị khổ đau, do bị nghiệp bất thiện gây ra trong đời sống hiện tại cũng như trong kiếp sống quá khứ.

Với nhãn quan của bậc Đại giác, đức Phật quan sát và phản ảnh khắp cả pháp giới chúng sinh, không riêng gì loài người; thế nên, đức Phật cũng được gọi là bậc “thầy của trời người” (thiên nhân chi đạo sư). Tuy nhiên, phạm vi giáo pháp ở đây đặc trưng dành riêng cho nhân loại. Điều đó có nghĩa, Vu-lan báo hiếulà việc làm phước lợi ân triêm cho cả kẻ còn lẫn người mất. Song song với việc thi hành pháp sự giải oanvà bạt độ nghiệp chướng cho người mất, giúp họ mau ra khỏi chốn u đồ khổ não, thì người sống cũng được nghe giáo pháp mà tu tỉnh, dứt ác hành thiện. Đạo Phật quan tâm đến cuộc sống toàn diện, vì hạnh phúc và an lạc cho nhân loại, với tinh thần “cứu tử độ sinh” thì không lý do cho rằng đạo Phật là phi nhânbản, ăn cơm nhân gian nói chuyện âm phủ.

Mùa Vu-lan hiếu đạo là mùa gợi chúng ta nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Với cha mẹcòn sinh tiền phải biết kính trọng, vâng lời, phụng dưỡng, sớm hôm chăm sóc khi cha mẹ đau yếu; nếu cha mẹ chưa trở về với Chánh pháp thì hướng dẫn cha mẹ qui kính Tam bảo, trở thành người Phật tử chân chánh. Nói chung, người Phật tử phải biết đền ơn cha mẹ hiện đời cũng như cha mẹ trong các đời quá khứ. Ở phương diện xã hội rộng hơn, lễ hội Vu-lan còn là dịp tốt để người Phật tử phát tâm cúng dườngTam bảo, làm việc nhân từ bố thí, phóng sanh giúp vật,v.v… Tinh thần Vu-lan dạy chúng ta ý thức độ lượng, bao dung, hướng đến và giúp đỡ người khác trong tinh thần vô cầu lợi. Ngoài ra, Vu-lan còn là cơ hội tốt cho chúng ta phát tâm Bồ-đề hướng đến các chúng sanh ngạ quỷ đang đau khổ, làm các việc công đức để hồi hướng cho họ. Một lễ hội có nhiều giá trị luân lý đạo đức cao đẹp như vậy cần được giữ gìn và phát huy trên phạm vi giáo dục xã hội vĩ mô.

  1. 3. Vu-lan báo hiếu, giá trị giáo dục đa phương diện:
tinhthangiaoduc-04

Phương diện giá trị đạo đức: giáo dục tình yêu tiên giống nòi, tình yêu dân tộc đất nước, tinh thần tôn sưtrọng đạo, tình yêu chân lý giáo pháp, tình yêu nhân loại và muôn loài chúng sinh. Hơn nữa, Vu-lan - hiếu đạo còn giáo dục tinh thần ý thức đạo lý nhân quả thiện ác, răn đe điều xấu và cổ vũ điều tốt, phát huy tinh thần luân lý đạo đức tình người.

Phương diện giá trị văn hóa: Lễ hội Vu-lan mặc nhiên trở thành ngày hội truyền thống mang đậm nét văn hóa tinh thần đặc thù của nhiều quốc gia trên thế giới. Mùa Vu-lan trở thànhmùa hiếu hạnh của tất cả mọi người, không của riêng ai, cho dù là người khác tôn giáo hay không tôn giáo.

Phương diện giá trị kinh tế: Mùa lễ hội Vu-lan, trở thành mùa của hiếu hạnh, cũng là mùa cho mọi người tác phước hành thiện. Các hoạt động kinh tế như: cúng dường Tam bảo, bố thí ủy lạo, cũng như các hoạt động gây quỹ cứu trợ an sinh,… diễn ra trong bầu không khí hoan hỉ tưng bừng và hiệu quả; phản ảnhđầy đủ tinh thần từ mẫn và vị tha của đạo Phật.

Phương diện giá trị chính trị: Vu-lan hiếu đạo nêu cao tinh thần từ bi, vô ngã và vị tha; vượt lên trên mọi ranh giới của mọi ý thức hệ, tư tưởng, chủ nghĩa, dân tộc và quốc gia,…; xem pháp giới chúng sinh đều là những mối quan hệ ân tình tương sinh không biên giới. Đây chính là tinh thần giáo dục ý thức chính trị anlạc cộng đồng pháp giới.

Nói tóm, Vu-lan là tiếng nói chung của tinh thần hiếu đạo Phật giáo, là tinh thần giáo dục nhân bản. Tinh thần giáo dục này đã vượt khỏi ranh giới tôn giáo, đi vào lòng người trong mọi tầng lớp xã hội, nêu cao tấm gương hiếu đạo của những người con hiếu hạnh; đồng thời, cũng khơi dậy nhân tâm ở mọi người con vì một lý do nào đó mà quên đi cội nguồn; ít ra hằng năm, khi mùa Vu-lan trở về mọi người con có dịp nghĩ nhớ về mẹ cha hiện đời cũng như bảy đời quá khứ trong nỗi niềm thương cảm chân thành, để tìm giải pháp thiết thực báo đáp công ơn. Có thứ tình cảm nào thiêng liêng bằng tình yêu cốt nhục, và thâm trầm bằng tình cảm mẹ cha. Thứ tình cảm mà đã làm nẩy sinh bao tình cảm yêu thương cao đẹp khác: tình yêu thương nhân quần đồng loại, tình yêu thương dân tộc quốc gia, tình yêu thương gia tộc giống nòi, tình yêu thương pháp giới chúng sinh. Vu-lan báo hiếu, tinh thần uống nước nhớ nguồn và tri ân báo ân; hơn nữa, đây còn là tinh thần nhân ái, hướng đến tha nhân và mọi loài trong tình yêu thương nâng đỡ, vô điều kiệnvà vô vụ lợi, đến với những ai trong nỗi niềm bí yếu, đến với muôn loại chúng sinh trong cơn hoạn nạn, với tinh thần ban vui cứu khổ. Tinh thần này cần được phát huy để cho sự sống của con người cũng như của pháp giới chúng sinh hôm nay và mãi mãi mai sau thật sự an lạc và hạnh phúc.

Chùa Phước Long Phật Tích, Diên Phước, Diên Khánh, Khánh Hoà 
 

[1] Kính lễ và thuận thảo với các bậc cha mẹ, sư trưởng, vợ chồng, thân hữu, tôi tớ, đạo sĩ qua ý nghĩa lễ 6 phương; khi sống được an lạc, lúc chết được sinh thiên. (k. Thiện sinh)

[2] Vạn 35/151B

[3] Những duyên sự về thọ nghiệp ngạ quỷ được diễn tả trong rất nhiều kinh: Ngạ quỷ sự, Nam truyền đại tạng, tập 25, tr. 87 - 94; Phật thuyết ngạ quỷ vấn Mục-liên kinh, Đ.17, tr.535b - 536b; Phật thuyết tạp tạngkinh, Đ.17, tr. 557b-560b; Ngạ quỷ báo ứng kinh, Đ. 17, tr. 660b-562b;v.v…

[4] Tứ đại trọng ân: ân nghĩa Sinh thành, Quốc gia, Sư trưởng và Tam bảo

[5] Kinh Báo Ân Cha Mẹ, thi hóa của Nhật Từ

[6] Tăng Chi bộ Kinh I, Tr. 75

[7] Digha-nikāya I, No.16 Mahāmarinibbanasūtta

[8] Tăng chi I, Các vị ở Kesaputta, tr.337-347

[9] Văn khuyến phát bồ đề tâm

[10] Pháp cú

[11] Giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật bị thương ra máu và phá hòa hợp Tăng.

Tác giả bài viết: Thích Nhật Hiếu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây