Ở nước chúng tôi rất hiếm người giả sư
- Thứ tư - 12/04/2017 20:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
* Đại đức Candima (Myanmar): Tại đất nước chúng tôi các Tăng sĩ đều phải trì bình khất thực vào mỗi buổi sáng để duy trì và phát huy hình ảnh tốt đẹp của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, trong mối liên hệ giữa Tăng đoàn với đời sống xã hội thường ngày, qua đó tạo duyên lành cho mọi tầng lớp trong xã hội đều có dịp gieo duyên cúng dường.
Tất nhiên, vẫn có một số thành phần tội phạm, nghèo khó, lười lao động cũng giả làm Tăng sĩ để đi kiếm miếng ăn từ việc khất thực, nhưng đều bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời vì đa phần các vị Tăng đều khất thực thành đoàn thể – đi từ 3 người trở lên và chỉ đi trong khu vực gần chùa – nên người dân đều biết rõ các sư thân quen tại nơi mình cư trú.
Do vậy, trường hợp giả sư đi khất thực rồi xin tiền đều bị phát giác và báo cho cảnh sát để kịp thời xử lý. Vì thế, tình trạng này không nhiều, lâu lắm mới có một vài trường hợp cá biệt không đáng kể
.
* Đại đức Thamapol (Thái Lan): Thái Lan là một đất nước mà đạo Phật là quốc giáo với truyền thống Phật giáo Nam tông nên việc khất thực đã trở nên phổ biến rộng rãi từ trong xã hội đến các phương tiện truyền thông. Qua đó, người dân nắm được rất rõ các phép tắc cúng dường và hạnh trì bình khất thực của một nhà sư phải vâng giữ, cụ thể – khi khất thực các sư chỉ được nhận thức ăn và rất hạn chế nhận tiền, nếu có là chỉ trong các ngày Phật nhật (giống ngày rằm tại Việt Nam) – cho nên nhu cầu giả sư vì lợi dưỡng cũng không “thịnh hành”.
Đồng thời, các sư tuân theo nguyên tắc thời gian: khất thực bắt đầu từ 6 giờ sáng và phải kết thúc trễ nhất là 8 giờ sáng trong ngày. Nếu qua giờ mà còn ôm bát trì bình khất thực thì được coi là giả sư và bị quy thành tội phạm: vi phạm pháp luật và phá hoại nguyên tắc – giới luật của Tăng đoàn.
Trên cơ sở đó, người dân cũng tự phát giác và gìn giữ lấy bởi vì ai cũng biết rất rõ những phép tắc cần thiết của một Tăng sĩ khi thực hiện phép khất thực.
Giác Minh Luật ghi